Ổn định sinh kế cho lao động nông thôn Thoại Sơn

14/06/2022 - 06:10

 - Là cơ sở đào tạo nghề cho lao động địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã tổ chức các lớp dạy nghề bám sát theo nhu cầu của địa phương. Qua đó, giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Các lớp dạy nghề ngắn hạn dựa trên nhu cầu thực tế tại địa phương

Gắn với nhu cầu thực tế

Để công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững, trên cơ sở khảo sát nhu cầu nghề thực tế của người dân địa phương, huyện Thoại Sơn tập trung đào tạo những ngành gắn với nhu cầu tại địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn Trần Phan Minh Khiêm cho biết, hàng năm, tùy theo chỉ tiêu của UBND tỉnh và huyện giao mà đơn vị xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cụ thể trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm. Năm 2021, UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo 800 chứng chỉ nghề. Trong đó, trình độ sơ cấp có 50 chứng chỉ và đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 750 chứng chỉ. Về chỉ tiêu giới thiệu việc làm được căn cứ theo chỉ tiêu đào tạo nghề, phải đảm bảo 80% trên tổng số học viên được đào tạo nghề được bố trí việc làm sau khi học nghề xong.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn đã mở được 37 lớp với 1.055 học viên đăng ký học, đạt 131,8% so với chỉ tiêu huyện giao và 105,5% so với tỉnh giao. Trong đó, có 14 lớp ở lĩnh vực nông nghiệp, với 400 học viên. Các ngành nghề đào tạo, như: Kỹ thuật trồng rau màu an toàn, kỹ thuật nuôi gia cầm an toàn sinh học, kỹ thuật sản xuất lúa, kỹ thuật trồng và thiết kế vườn...

Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, đơn vị mở được 23 lớp với 655 học viên, gồm các ngành nghề: Chế biến bong bóng cá, hàn điện, kỹ thuật làm hoa giả, may công nghiệp, xây dựng dân dụng... Đây là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, giúp người học có việc làm tại chỗ.

Kết thúc 37 lớp học đã có 1.009 học viên đủ điều kiện cấp chứng chỉ nghề, 900 học viên được cấp chứng chỉ đã được giải quyết việc làm tại địa phương. Trong đó, có 345 lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 555 lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Đặc biệt, ngoài trang bị kỹ năng nghề nghiệp, ở một số ngành nghề như chế biến bong bóng cá hay kỹ thuật sửa chữa và phun thuốc bảo vệ thực vật, học viên còn được trang bị thêm các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Điều này đã giúp phòng tránh, hạn chế các tai nạn đáng tiếc khi lao động tại các cơ sở hay tại gia đình...

Nâng cao thu nhập

Thông qua các lớp đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề ở lĩnh vực nông nghiệp, người lao động địa phương đã mạnh dạn ứng dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Nhờ vậy, việc canh tác ngày càng thuận lợi, thu nhập người dân ngày càng nâng cao. Đối với các nghề phi nông nghiệp, học viên sau khi hoàn thành chương trình sẽ được giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp tại địa phương, tỷ lệ có việc làm trên 90%.

Đặc biệt, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn còn liên kết với một số doanh nghiệp, tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng nên sau khi đào tạo, học viên thường có việc làm ổn định với mức thu nhập tốt. “Một số nghề như chế biến bóng bóng cá, may công nghiệp, 90% học viên sau khi đào tạo nghề đều được bố trí làm việc tại các công ty ở địa phương” - ông Khiêm thông tin.

Chị Lương Thị Nhiều (sinh năm 1993, ngụ ấp Trung Bình, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) trước đây chỉ ở nhà trông con. Do không có công việc ổn định nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được nhiều chị em phụ nữ ở địa phương giới thiệu về các hoạt động dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn, chị Nhiều đã đăng ký tham gia lớp học may.

Sau khi học nghề xong, chị được trung tâm giới thiệu làm việc tại Công ty TNHH may xuất khẩu Bảo Thịnh Phát (thị trấn Núi Sập). “Công việc ở đây cũng không vất vả. Mỗi tháng, công ty trả lương 4,2 triệu đồng. Những tháng tăng ca có thể tăng thêm thu nhập từ 500.000-600.000 đồng. Cũng nhờ công việc này mà tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như chăm sóc con cái” - chị Nhiều phấn khởi.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Thoại Sơn Trần Phan Minh Khiêm cho biết, tính đến thời điểm này, các xã đã gửi đề nghị mở các lớp dạy nghề trong năm 2022. Trung tâm đã lên kế hoạch tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với 800 chứng chỉ (sơ cấp 100 chứng chỉ, đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng 700 chứng chỉ)...

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích