Ổn định tình hình lao động cuối năm

21/12/2023 - 06:34

 - Năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn với doanh nghiệp (DN). Tình hình lao động cuối năm được các ngành chức năng quan tâm, tìm giải pháp ổn định môi trường sản xuất, hài hòa lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).

Tín hiệu phục hồi

Những ngày cuối năm, được công ty tổ chức vui chơi, thi trổ tài ẩm thực ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), hàng trăm công nhân của Công ty TNHH An Giang Samho bày tỏ hào hứng.

"Tôi làm ở công ty 3 năm nay, cảm nhận được sự chăm lo thiết thực từ công đoàn và lãnh đạo công ty. Sau những ngày làm việc áp lực, có dịp thoải mái bên nhau vui chơi, tâm lý chúng tôi trở nên nhẹ nhàng hơn. Không chỉ có lần “dã ngoại” đặc biệt này, trước đó vào dịp Tết Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)… công ty đều họp mặt, trao quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi thấu hiểu, có thời điểm công ty sản xuất không thuận lợi, nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho lao động trong khả năng có thể, nhất là công nhân nữ, gia cảnh đặc biệt…” - chị Huỳnh Xuân Tiên (công nhân) chia sẻ.

Đưa các hoạt động sinh hoạt, sân chơi bổ ích vào doanh nghiệp 

Ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh) đang đến thăm, nắm tình hình lao động tại một số DN có đông công nhân lao động. Sau các buổi làm việc, ngành chức năng ghi nhận những tiến triển tích cực.

"Điển hình, Công ty Cổ phần TBS An Giang (đóng trên huyện Thoại Sơn) nâng mức bữa ăn ca từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng. Tuy chưa bằng mức chung theo quy định, nhưng chúng tôi ghi nhận đây là sự "đột phá" của đơn vị có số lượng lớn lao động. Công ty cũng thống nhất có lương trong dịp Tết 2024, cam kết bằng hoặc cao hơn năm 2023, dù tình hình lao động và sản xuất - kinh doanh (SXKD) đang gặp khó. Ngoài ra, TBS đang tuyển dụng thêm 1.100 công nhân, nâng tổng số lao động của công ty lên 8.000 người” - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tô Minh Lắm thông tin.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đánh giá, nhìn chung, so với 9 tháng đầu năm 2023, tình hình của các DN trong tỉnh khởi sắc. Đặc biệt, DN ngành may mặc, da giày, chế biến thủy sản đã có nhiều đơn hàng hơn, đảm bảo việc làm, thu nhập của NLĐ tăng lên. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tình hình sử dụng lao động cuối năm 2023 của một số DN, nhận thấy lực lượng lao động tăng hơn so 6 tháng đầu năm 2023 (khoảng 1.000 lao động); tình hình việc làm, thu nhập của NLĐ cơ bản ổn định. Trên 4.000 lao động được DN có nhu cầu tuyển dụng, như: Công ty Cổ phần TBS An Giang; Công ty TNHH NV Apparel tuyển 200 lao động; Công ty TNHH Universal Apparel tuyển 400 lao động; Công ty TNHH May XNK Đức Thành khoảng 150 lao động… Đây là tín hiệu khả quan, phản ánh thị trường lao động đang phục hồi.

Tăng cường giải pháp

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với cơ quan liên quan chủ động nắm tình hình quan hệ lao động ở DN. Trong năm 2023, đặc biệt những tháng đầu năm, do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế thế giới, tình hình hoạt động SXKD của DN đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp, nhưng một số DN buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động, ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. 

Nhằm chủ động nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động của DN, nhất là trong dịp giáp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị DN rà soát, thực hiện đúng chính sách đối với NLĐ theo quy định. Cần quan tâm đến tiền lương, tiền thưởng và chế độ phúc lợi khác đối với NLĐ trong dịp Tết. Đồng thời, yêu cầu chủ DN phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch về tiền lương, tiền thưởng và chế độ phúc lợi khác; kế hoạch cần thông báo rộng rãi cho NLĐ, để họ yên tâm làm việc.

Sản xuất của doanh nghiệp cuối năm có bước khởi sắc 

Trong hệ thống công đoàn, LĐLĐ tỉnh An Giang yêu cầu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở DN trực thuộc tỉnh tăng cường tham gia ổn định quan hệ lao động cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn công đoàn cơ sở hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm.

“Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình SXKD, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với NLĐ của DN, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết khi nảy sinh vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, quan tâm tới các công đoàn cơ sở DN có quan hệ lao động không ổn định, DN có đông lao động, DN gặp khó khăn trong SXKD, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không thưởng Tết, có nguy cơ mất an toàn lao động…” - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang cho biết.

Giải pháp chung của các cơ quan chức năng trong thời điểm hiện nay đều hướng vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động. Các đơn vị chuyên môn phối hợp, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại DN sử dụng nhiều lao động, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Đồng thời, cập nhật liên tục tình hình lao động, việc làm trong các DN, phối hợp triển khai giải pháp hỗ trợ DN ổn định, phát triển hoạt động SXKD. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cũng sẽ được đẩy mạnh cho NLĐ và người sử dụng lao động trong DN, nâng cao hiểu biết, tuân thủ pháp luật từ cả 2 bên, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

MỸ HẠNH