Từng gặp nhiều người bị hỏng xe do đinh, sắt vụn trên đường, bản thân cũng nhiều lần cán phải đinh khi đang chạy xe, ông Út quyết định làm xe hút đinh nhằm giảm bớt rắc rối. Hơn 2 tháng nay, xe máy kéo theo thiết bị hút đinh tự chế đi qua các con đường quê, thu gom đinh và các vật sắc nhọn rơi rớt. Hành động ý nghĩa của ông Út được nhiều người nhiệt tình ủng hộ.
Trước ông Út, đã có nhiều người lái xe hút đinh trên đường. Không sợ bị gọi là bắt chước, ông Út nghĩ đơn giản là còn sức khỏe, tay chân còn nhanh nhẹn, phải giúp đời. Xe hút đinh của ông Út có kết cấu đơn giản: 1 khung xe bằng sắt tự hàn, bên dưới có 2 bánh xe nhỏ để di chuyển.
Phía dưới khung xe có gắn hơn 20 cục nam châm tròn, kết nối thành hàng ngang để hút đinh, ốc vít, kim loại. Mỗi lần di chuyển, ông Út sẽ nối khung sắt vào xe máy. Những đoạn đường có đinh thì nam châm sẽ tự động hút vào.
Ông Út vui vẻ với việc chạy xe tự chế đi khắp nơi hút đinh
Kinh phí làm khung xe hút đinh tự chế khoảng 4 triệu đồng. Mỗi tuần ông Út tự chạy xe rong ruổi khắp các con đường để hút đinh, vật kim loại sắc nhọn từ 4 - 5 ngày. “Tôi không đặt chỉ tiêu một ngày phải chạy bao nhiêu tuyến đường. Quan trọng là mỗi con đường mình đi qua hút được thật nhiều đinh, vật sắc nhọn là bản thân thấy vui. Sáng tôi bắt đầu khởi hành khoảng 7 giờ sáng, đến khoảng 6 giờ tối mới về nhà. Cả ngày di chuyển liên tục trên chiếc xe tự chế, khi nào đói thì vào quán ven đường ăn vội miếng cơm, nghỉ ngơi chút rồi bắt đầu chạy tiếp.
Vì tôi ăn chay nên không quá kén chọn, miễn sao no bụng để tiếp tục công việc là được. Một ngày chạy xe hút đinh, tôi tốn tiền xăng khoảng 50.000 đồng. Số tiền không nhiều, nhưng đổi lại, người đi đường được bình an, không bị vướng đinh, vật nhọn là mình vui rồi” - ông Út bày tỏ.
Hành động của những người như ông Út tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống, giúp người đi dường hạn chế việc bị thủng bánh xe, nhất là đêm khuya, nơi vắng người qua lại. Tự nguyện làm chuyện “bao đồng” nhưng với ông Út không làm thì thôi, một khi làm thì phải hiệu quả. Bởi vậy, ông đã đặt mua mới những cục nam châm hút đinh từ TP. Hồ Chí Minh để thay thế bộ nam châm đang sử dụng.
Mặc dù vẫn còn dùng được, hút đinh, sắt khá ổn nhưng ông Út cho rằng lực của những cục nam châm cũ không đủ mạnh, hút đinh, sắt chưa sạch. Được gia đình ủng hộ, ông Út đầu tư bộ nam châm mới có giá khoảng 5 triệu đồng. “Vài hôm nữa thay xong bộ nam châm, tôi sẽ rong ruổi các con đường. Mấy ngày nay tạm nghỉ, tôi thấy buồn quá” - ông Út bộc bach.
Ngoài hút đinh, ông Út còn mang theo đồ nghề vá ép ruột xe mới để thay miễn phí cho những trường hợp bị đinh đâm thủng ruột xe giữa đường, không tìm được chỗ vá ép. Không ít lần, người đi đường gặp ông Út cặm cụi ngồi bên vệ đường vá ép. Từng rơi vào tình cảnh bể bánh, phải dắt bộ mấy cây số để tìm chỗ vá xe trong đêm, chị Lựu (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Nhuận) rất quý tấm lòng của ông Út.
“Bể bánh giữa đường, may mắn thì tìm được chỗ vá ép liền, không thì phải dẫn bộ đi tìm, chỉ những ai rơi vào hoàn cảnh ấy mới hiểu được nỗi khổ này. Chú Út không những chạy xe hút đinh mà còn vá ép, thay ruột miễn phí, nhiều người rất biết ơn” - chị Lựu chia sẻ.
Trở về nhà khi trời nhá nhem tối, người lấm lem bụi đường, mặt nhễ nhại mồ hôi, nhưng ông Út vẫn rất vui vẻ nói cười vì một ngày của mình không trôi qua vô nghĩa. “Chiến lợi phẩm” thu về sau một ngày hút đinh của ông Út được khoảng 1kg đinh, sắt vụn.
“Lúc đầu ra chạy xe hút đinh, các con tôi lo lắng lắm. Tụi nó sợ tôi bị những người có ý đồ xấu trả thù, vì đi hút đinh, ngăn “chén cơm” của người ta. Nhưng tôi không sợ. Niềm vui của tôi mỗi ngày là được thấy đường quê không còn bóng dáng những chiếc đinh, vật sắc nhọn rơi rớt nữa” - ông Út tâm sự.
Lấy bao đinh thu về được tích góp mỗi ngày, ông Út giới thiệu tỉ mỉ từng loại đinh. Nhiều nhất vẫn là đinh tự chế được cắt nhọn từ những tấm thép rỉ sét. Đôi tay trần thoăn thoắt gỡ đinh trên những cục nam châm, ông Út cho chúng tôi xem đôi bàn tay chằng chịt vết trầy xước với nụ cười hiền…
“Tôi quen rồi” - ông Út nói. Cứ thế “Xe hút đinh lưu động, vá ép 0 đồng” của ông Mai Văn Út cùng bao chiếc xe lo “chuyện bao đồng” như vậy vẫn thầm lặng đóng góp cho đời, không cần trả công.
SONG MINH