Phải gửi đơn tại UBND xã

20/06/2019 - 07:47

 - Bà Lê Thị Đen và chồng (Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, Thoại Sơn) cho rằng, Trường Tiểu học “A” Vọng Đông lấn chiếm đất xây dựng phòng học, chưa bồi thường cho gia đình bà. Đồng thời, yêu cầu đo đạc, xác định lại chính xác diện tích đất thực tế của gia đình bà bị nhà trường trưng dụng.

Theo trình bày của vợ chồng bà Đen, năm 1981, thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, gia đình bà được cấp 27.763m2 đất, do bà Lê Thị Huệ (bà nội bà Đen) đứng tên. Sử dụng đến năm 1991, vợ chồng bà Đen đã bồi hoàn thành quả lao động cho chủ cũ xong, đến năm 1993 được UBND huyện Thoại Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Năm 1997, vợ chồng bà sang nhượng 12.500m2 đất cho ông Nguyễn Văn Bắp. Năm 2006, tiếp tục sang nhượng cho ông Bắp thêm 5.000m2 đất, vợ chồng bà còn lại 10.263m2 đất. Năm 2011, hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà tiếp tục sang nhượng 4.479m2 đất cho bà La Ngọc Cang.

Phải gửi đơn tại UBND xã

Vợ chồng bà Đen trình bày vụ việc

“Sau 3 lần sang nhượng đất, tôi còn lại hơn 5.000m2. Thế nhưng không hiểu sao, trong GCNQSDĐ (sau khi tách thửa cho các hộ), đất của tôi chỉ còn 2.469m2, thiếu khoảng 3.300m2. Ngoài ra, tôi còn 3.000m2 đất thổ cư (giáp ranh Trường Tiểu học "A" Vọng Đông). Phần đất này tôi bán cho một số hộ dân cất nhà ở và hiến cho trường 100m2 đất để xây 2 phòng học. Tuy nhiên, năm 2006 (sau khi đã hiến đất), do nhu cầu cất thêm phòng học, UBND huyện quyết định thu hồi thêm 300m2 giao cho nhà trường. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phát hiện ngoài diện tích 300m2 này, họ còn lấn của gia đình tôi thêm 170m2. Gia đình tôi khiếu nại, yêu cầu bồi thường giá trị QSDĐ. Ngày 22-11-2006, UBND huyện ra Quyết định số 102/QĐ-UBND công nhận toàn bộ diện tích nhà trường lấn chiếm là của gia đình tôi, đồng thời giao UBND xã Vọng Đông có trách nhiệm bồi hoàn 300m2 với số tiền 25.200.000 đồng. Tôi đồng ý và nhận bồi hoàn xong. Riêng phần còn lại (170m2) vẫn chưa được bồi hoàn. Hiện tại, nhà trường đang tiếp tục trưng dụng thêm khoảng 230m2 đất, xây dựng thêm 2 phòng học và đường đi vô sân trường. Do vậy, gia đình tôi yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết: xác định lại phần đất thuộc QSDĐ của gia đình tôi; buộc nhà trường có trách nhiệm bồi hoàn giá trị đất đã trưng dụng thêm, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân” - bà Đen đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, cán bộ địa chính xã Vọng Đông Lê Minh Phụng thông tin: ngày 7-9-2018, UBND xã nhận được đơn khởi kiện của bà Lê Thị Đen, cùng chồng là ông Nguyễn Văn Trung, yêu cầu xã đo đạc lại diện tích thực tế của gia đình bà, đồng thời phản ánh việc bà chưa nhận tiền bồi hoàn 170m2 bị mất do Trường Tiểu học "A" Vọng Đông trưng dụng. Thẩm quyền của xã là chỉ hòa giải cơ sở về tranh chấp đất đai, chứ không có chức năng đo đạc. Thẩm quyền đo đạc là của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện. Do đó, ngày 17-9-2018, UBND xã ra công văn trả lời cho bà Đen. Sau đó, UBND xã nhận được công văn của Tòa án nhân dân (TAND) huyện yêu cầu xã hòa giải cơ sở giải quyết tranh chấp đất đai. Nhưng thực tế, xã chưa nhận được đơn nào từ bà Đen (kể từ sau khi có công văn trả lời cho bà vào ngày 17-9-2018).

“UBND xã đã có công văn trả lời cho TAND. Cũng cần nói thêm, phần đất này đã giải quyết xong từ năm 2004. Đến năm 2009, trường được cấp GCNQSDĐ. Do vậy, toàn bộ hồ sơ giải quyết xã đã chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường, lưu trữ tại Văn phòng Đăng ký đất đai của tỉnh. Vụ việc đã giải quyết xong cho gia đình bà Đen, bà đã nhận đủ tiền bồi hoàn trong phần diện tích 300m2 từ năm 2006 (phần 170m2 là nằm trong tổng diện tích 300m2 được bồi hoàn). Mới đây, ngày 14-6-2019, UBND xã nhận được đơn của bà Lê Thị Đen khiếu nại, cho rằng diện tích bị mất tổng cộng 1.300m2 (khiếu nại ở TAND chỉ nói 400m2), thắc mắc vì sao UBND tỉnh lấy đất cấp GCNQSDĐ cho trường. Sắp tới, UBND xã tiếp tục mời bà Đen đến làm rõ nội dung khiếu nại của bà, đồng thời yêu cầu viết lại đơn, chỉ rõ phần đất mất bao nhiêu, ở vị trí nào, thì mới hòa giải được” - ông Phụng thông tin.

Trước đây, vợ chồng bà Đen khởi kiện yêu cầu bồi thường số tiền theo giá trị tài sản. Trong quá trình làm việc, bà Đen có nhu cầu tranh chấp đất. Do đó, phải thông qua hòa giải cơ sở, nhưng do bà Đen chưa thực hiện việc này tại địa phương. Vì vậy, TAND huyện Thoại Sơn đã có công văn gửi về xã yêu cầu hòa giải (phải xác định rõ đất thuộc quyền sử dụng của ai thì mới tính tới việc bồi thường giá trị). Bà Đen phải gửi đơn tại xã hòa giải trước, thì tòa án mới có cơ sở thụ lý hồ sơ giải quyết.

Bài, ảnh: K.N