Phản ánh cơ sở nuôi cá gây ô nhiễm môi trường

24/01/2019 - 08:12

 - Báo An Giang nhận được đơn của ông Phan Dũng Hùng (ngụ tổ 16, ấp Long Bình, xã Kiến An, Chợ Mới), đại diện cho hơn 30 hộ dân, yêu cầu can thiệp việc một hộ dân nuôi cá xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo các hộ dân, từ nhiều năm nay, khu vực này xuất hiện vùng nuôi cá hơn 30ha nằm cặp bờ sông Tiền do ông Nguyễn Văn Đời làm chủ. Trong quá trình nuôi cá, cơ sở của ông Đời xả nước thải (chưa qua xử lý) trực tiếp ra kênh, mương, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Các hộ dân sinh sống và làm ruộng khu vực này không thể sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt cũng như tưới tiêu, vì nước nhiễm mặn, hôi tanh, rất khó chịu.

“Nếu chúng tôi dùng nước tưới rẫy, chỉ trong thời gian ngắn, rẫy bị thiệt hại nặng nề, gây tổn thất về kinh tế. Trong khi đó, nước bơm từ sông lên không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con. Cần phải nói rõ, sở dĩ cơ sở nuôi cá của ông Đời tồn tại là do trước đây chính quyền địa phương buộc chúng tôi phải giao đất, nhận tiền bồi hoàn (5 triệu đồng/công). Cùng vị trí đất, có nơi được bồi hoàn từ 10 - 20 triệu/công. Vì vậy, dù đã giao đất, nhưng vẫn có trường hợp hộ dân liên tục khiếu nại về mức giá bồi hoàn. Sau này, UBND xã không sử dụng đất thu hồi vào việc công, mà lại giao cho tư nhân nuôi cá, để rồi họ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Kính mong các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết nâng giá bồi hoàn đất hợp lý hơn; yêu cầu chủ cơ sở khắc phục việc xả thải, nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước, trả lại môi trường trong lành cho bà con yên tâm sinh sống và lao động sản xuất” - ông Hùng đề nghị.

Phản ánh cơ sở nuôi cá gây ô nhiễm môi trường

Ông Hùng trình bày vụ việc và nơi xả thải

Được biết, Chợ Mới có nhiều đất bãi bồi ven sông Tiền đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản, cần tập trung nuôi cá, tôm theo hướng công nghiệp, nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Do đó, từ năm 2003, Thường trực Tỉnh ủy và Huyện ủy Chợ Mới thống nhất chủ trương quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản xã Kiến An. Ngày 4-4-2003, Đảng ủy xã Kiến An ra Nghị quyết số 04/NQ.ĐU, phân công cán bộ họp lấy ý kiến về giá cả đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản. UBND xã cùng ban ngành đoàn thể tiến hành họp dân lấy ý kiến, được đa số bà con thống nhất. Lúc bấy giờ, bà con đã đồng ý ký biên bản, nhận tiền hỗ trợ thành quả lao động đất bãi bồi do nhà nước quản lý, với giá 10.000 đồng/m2, đồng thời giao đất cho UBND xã Kiến An quản lý.

Đến năm 2005, UBND huyện Chợ Mới ký quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản cho doanh nghiệp tư nhân khai thác sử dụng. Một số hộ khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn thêm. Sau đó, một doanh nghiệp (không phải doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Đời) chi trả thêm theo quyền hạn của doanh nghiệp, chứ nhà nước không có chủ trương trả thêm. Các hộ dân đồng ý nhận thêm tiền, đồng thời cam kết không khiếu nại. Theo quy định của Luật Đất đai, đất bãi bồi do nhà nước quản lý, các hộ dân tự khai thác sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất. Theo biên bản thỏa thuận của UBND xã Kiến An với các hộ dân là chi tiền hỗ trợ, chứ không phải bồi thường.

Đại diện Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Chợ Mới (do ông Nguyễn Văn Đời làm Giám đốc) thông tin: “Hàng tháng, chúng tôi đều xử lý lắng lọc và thu mẫu, kiểm tra mẫu nước thải định kỳ; được cơ quan chức năng đồng ý cho xả nước thải. Đồng thời, chúng tôi có đăng ký đề án bảo vệ môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Nếu bà con phản ánh nước thải của hợp tác xã chúng tôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp thiệt hại hoa màu, thì có thể lấy ngẫu nhiên mẫu nước bất kỳ từ ao nuôi nào cũng được, bơm tưới thẳng vào hoa màu của bà con đang sản xuất. Nếu có thiệt hại, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thỏa đáng cho bà con. Còn ngược lại, bà con phản ánh không có cơ sở thì phải chịu trách nhiệm, có biện pháp chế tài để đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho cả đôi bên”.

Cũng theo hợp tác xã, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là từ năm 2003, hợp tác xã được nhà nước giao đất để nuôi trồng thủy sản theo chủ trương chung, hợp tác xã không trực tiếp mua đất của bà con. Hiện tại, có một công ty tư nhân đang thỏa thuận mua đất của người dân giáp ranh lân cận, với giá cao hơn so thời điểm của mười mấy năm trước, nên bà con thắc mắc, so bì. Từ đó phát sinh khiếu nại, yêu cầu được tăng thêm giá tiền. Tới thời điểm này, chưa có cơ quan, đơn vị nào kết luận hợp tác xã vi phạm về môi trường như bà con phản ánh. Bên cạnh đó, hàng ngày, hợp tác xã đều bơm xuyên suốt nước sạch từ dưới sông lên cho bà con sinh hoạt, nấu ăn… tạo công ăn việc làm cho bà con quanh khu vực.

Được biết, hiện tại UBND xã Kiến An, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang phối hợp thẩm tra, xác minh nội dung bà con phản ánh, sẽ có trả lời cụ thể sau.

Bài, ảnh: K.N