Phản ánh sự việc để địa phương xem xét, giải quyết

26/09/2018 - 07:46

 - Ông Nguyễn Hoàng Lâm (sinh năm (SN) 1951) cùng một số hộ dân ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà (Tri Tôn) cho rằng, đã chuyển nhượng thành quả lao động số cây trồng gắn liền đất Xí nghiệp Bột mì - Công ty Xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (gọi tắt XNBM) từ năm 2008. Họ yêu cầu Nhà nước cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc được nhận bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Năm 2008, tôi và một số hộ sang nhượng thành quả lao động số cây trồng gắn liền với đất của ông Lê Văn Na (SN 1954) và Nguyễn Văn Khoảnh (SN 1940, ngụ cùng ấp). Đất này vào năm 2006, ông Na, ông Khoảnh đầu tư chi phí cải tạo đất và trồng cây lâm nghiệp, được XNBM cấp đất, có sự chứng thực của Chủ tịch UBND xã lúc đó. Diện tích đất sang nhượng có chiều ngang 14m, từ mé nước kênh Lò Gạch đến lộ đal tuyến dân cư Lò Gạch; chiều dài 91m tính từ cửa nhà ông Nguyễn Văn Trường vô đến nhà ông Nguyễn Văn Phương. Sang nhượng phần đất xong, chúng tôi trồng cây bạch đàn, tràm bông vàng, nhưng chỉ vài tháng bị một số hộ nhổ bỏ, cho rằng số đất này đã được Nhà nước cấp sở hữu. Chúng tôi ngăn cản thì xảy ra cự cãi, suýt ẩu đả nên sau đó làm đơn khiếu nại. Từ đó đến nay, nơi nào cũng nói không có trách nhiệm, không có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hiện phần đất của chúng tôi đã không được sử dụng theo ý muốn, một số còn bị lấn chiếm, nhiều lần đã xảy ra tranh chấp. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi, đề nghị Nhà nước cấp QSDĐ, hoặc bồi thường về đất đã bị thiệt hại 10 năm qua”.

Phản ánh sự việc để địa phương xem xét, giải quyết

Ông Nguyễn Hoàng Lâm

Một số hộ trên đất tranh chấp cho biết, họ đủ điều kiện nên đã được Nhà nước xem xét cấp nền nhà, được quyền sở hữu, không vi phạm quyền lợi và không lấn chiếm đất của ai. Phần đất họ đang sử dụng có nguồn gốc là của XNBM, trước đây cấp cho không chỉ ông Na và ông Khoảnh. Còn việc ông Lâm sang nhượng của ai họ không biết. Nếu ông Lâm đòi bồi thường thiệt hại hay thành quả lao động nên tìm người khác, không liên quan đến họ. Qua tìm hiểu được biết, sau khi sang nhượng số đất cho ông Lâm, ông Na đã về quê ở tỉnh Trà Vinh, còn ông Khoảnh về thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn). “Nói địa chỉ như vậy nhưng tìm 2 người này không dễ, bởi họ thường di chuyển chỗ ở, nơi làm ăn. Trước đây, có người tìm gặp nhưng sau đó 2 ông đã di chuyển chỗ ở, nay không biết họ đang ở đâu” - ông Phan Văn Cung thông tin. Một cán bộ nghỉ hưu cho biết: “Việc sang nhượng đất cây trồng, đầu tư cải tạo đất, trồng cây lâm nghiệp do XNBM khởi xướng trước đây, sau đó hầu hết các hộ đã tự thỏa thuận, giải quyết với nhau. Đến nay, vẫn còn hộ khiếu nại, phần lớn liên quan đến đất bờ kênh Lò Gạch và khu vực tuyến dân cư, chủ yếu lấn cấn về ranh đất. Việc này xảy ra không chỉ giữa “chủ cũ” với “chủ mới”, mà còn giữa các hộ với nhau”.

Đại diện UBND xã Lương An Trà cho biết: “UBND huyện Tri Tôn đã đề nghị địa phương làm rõ vấn đề, báo cáo. Cụ thể, sau khi giải thể, XNBM cho không chỉ ông Lê Văn Na, Nguyễn Văn Khoảnh nhận chi phí đầu tư cải tạo đất và cây lâm nghiệp để thành lập trang trại sản xuất tại khu đất bờ kênh mới nối dài, đối diện với khu dân cư Giồng Cát. Việc này đối với 2 ông Na, Khoảnh, UBND huyện đã kết luận do nội dung sự việc không nói rõ trong biên bản, nên các hộ hiểu lầm công ty giao cây trồng gắn liền số đất, đề nghị XNBM giải thích rõ sự việc. Đến khoảng năm 2008, xảy ra tranh chấp giữa 2 ông với các hộ tuyến dân cư về con đường lên xuống bờ kênh. Lúc này, địa phương biết phần đất của 2 ông đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Hoàng Lâm. Việc ông Lâm khiếu nại đòi bồi thường thành quả lao động, cấp QSDĐ, địa phương chưa biết và ông cũng chưa có đơn kiến nghị. Ông có thể tìm ông Na và ông Khoảnh để làm rõ, thương thảo nhau như một số hộ đã thực hiện. Ngoài ra, ông có thể trình bày sự việc để địa phương xem xét, giải quyết hay có biện pháp hỗ trợ theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: N.R