Pháp nỗ lực đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ 5

28/12/2021 - 07:34

Pháp đã chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào đúng dịp lễ Giáng sinh, khi số người mắc COVID-19 đã tăng rất mạnh trong suốt tuần qua.

Theo số liệu của Cơ quan Y tế nước này, đã có 104.611 trường hợp mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 25/12. Đây là con số cao chưa từng có kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 ở Pháp vào tháng 3/2020. 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Tổng thống Pháp ngày 27/12 đã có các cuộc họp với trực tuyến với Hội đồng bảo vệ sức khỏe quốc gia và sau đó là Hội đồng Bộ trưởng để trao đổi về dự luật chuyển chứng nhận sức khỏe thành chứng nhận tiêm chủng, rút ngắn thời gian cách ly và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Với tinh thần không để dịch bệnh làm tê liệt hoạt động kinh tế-xã hội, sau khi đã sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học... Thay vì để người phát ngôn chính phủ thông báo nội dung trong cuộc họp báo sau phiên họp như thường lệ, đích thân Thủ tướng Jean Castex đã phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc họp với Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng bảo vệ sức khỏe quốc gia, được tiến hành trực tuyến với sự chủ trì của Tổng thống Emmanuel Macron từ Fort Brégançon, người đang quyết tâm đặt cược vào những quyết định nói trên để không làm xáo trộn các hoạt động kinh tế của đất nước.

Tuy không áp dụng giới nghiêm vào ngày 31/12, cũng không hoãn lịch trở lại trường của học sinh vào 3/1/2022, nhưng Thủ tướng Cartex tuyên bố sẽ "mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện". Cụ thể, trong vòng 3 tuần kể từ ngày 3/1, các sự kiện quy mô lớn sẽ chỉ được giới hạn ở 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời. Các buổi hòa nhạc ngoài trời hoàn toàn bị cấm. Việc tiêu thụ đồ ăn và thức uống trong rạp hát, rạp chiếu phim và trên phương tiện giao thông (kể cả khi đi đường dài) cũng không được phép.

Tùy tình hình diễn biến dịch, lãnh đạo các địa phương có thể quyết định việc bắt buộc sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hay không. Đối với các cơ quan, công sở hay công ty, doanh nghiệp, hình thức làm việc từ xa phải được áp dụng với mức tối thiểu là 3 ngày/tuần, thậm chí 4 ngày nếu như có thể thu xếp được. Trong bối cảnh dịch bệnh giống như "cuốn phim chưa có hồi kết", theo ví von của người đứng đầu chính phủ Pháp, tùy tình hình, Hội đồng bảo vệ sức khỏe quốc gia ngày 5/1 sẽ xem xét việc có tăng cường các biện pháp hạn chế nữa hay không.

Trong khi chờ đợi, chính phủ cam kết dự luật chuyển chứng nhận sức khỏe thành chứng nhận tiêm chủng, được thảo luận vào vào ngày 3/1 tới tại Quốc hội, sẽ đủ để đáp ứng ba mục tiêu mà Thủ tướng Jean Castex đặt ra. Đó là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, giảm bớt áp lực lên bệnh viện và tránh đảo lộn nền kinh tế.

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cũng nhấn mạnh "để tránh nguy cơ số người nghỉ việc ở các cơ quan, doanh nghiệp tăng vọt khiến các hoạt động dịch vụ thiết yếu bị ngưng trệ, chính phủ sẽ điều chỉnh các qui định về thời gian cách ly của những người nhiễm bệnh và các trường hợp tiếp xúc với người bệnh".

Ngoài ra, chính phủ sẽ theo sát chiến lược thúc đẩy tiêm chủng, được coi là "yếu tố then chốt và quyết định", nhằm gây khó cho những người chưa chịu đi tiêm và đẩy mạnh miễn dịch cộng đồng. Trả lời câu hỏi về nguy cơ bị lây nhiễm của những người chưa được tiêm 3 mũi tiêm, Thủ tướng Castex đảm bảo vaccine sẽ vẫn giúp giảm nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng lên nếu bị nhiễm. Theo đó, "tiêm chủng vẫn có tác dụng đối với biến thể Omicron". Ngoài ra, Thủ tướng Pháp cũng cho biết thêm thời hạn đủ điều kiện cho một liều tăng cường cũng sẽ giảm xuống còn 3 tháng.

Khi khoảnh khắc giao thời đang đến gần, không dễ gì để có thể đảm bảo được cân bằng giữa một bên là nghĩa vụ bảo vệ người dân và bên kia là sự mệt mỏi của người Pháp khi phải đối mặt với dịch bệnh và những quy định hạn chế. Ba tháng trước khi bắt đầu chiến dịch bầu cử tổng thống, người đứng đầu Nhà nước Pháp, Emmanuel Macron, và chính phủ đang phải chịu một sức ép quá lớn, vừa phải căng mình chống dịch bằng mọi nỗ lực, vừa phải bảo đảm các hoạt động xã hội không bị xáo trộn, đồng thời vẫn phải giữ gìn thành quả bước đầu của chương trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Theo THU HÀ (TTXVN)