Nấm mũ tử thần, Amanita phalloides, là thủ phạm của khoảng 90% số ca tử vong liên quan đến nấm trên toàn cầu. Độc tố chính là α-Amanitin, loại chất dẫn đến suy gan và thận.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Australia nhận định, thuốc indocyanine green dường như ngăn chặn tác dụng độc hại của α-Amanitin. Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh y khoa để đánh giá chức năng gan, cung lượng tim.
Nấm mũ tử thần, Amanita phalloides. Ảnh minh họa: RBG
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Qiaoping Wang (Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc), cho biết, trước đây không có thuốc giải độc đặc hiệu cho nấm mũ tử thần “vì chúng ta biết rất ít về cách độc tố nấm hủy hoại tế bào”.
Từ các thử nghiệm trên chuột cũng như dòng tế bào của con người trong phòng thí nghiệm, nhóm tác giả phát hiện indocyanine green có thể ngăn ngừa tổn thương gan và thận do α-Amanitin gây ra. Chất này cũng cải thiện cơ hội sống sót sau khi ngộ độc.
Tuy nhiên, Giáo sư Wang vẫn cẩn trọng: “Mặc dù kết quả rất hứa hẹn nhưng cần có thêm các thí nghiệm lâm sàng để xác định indocyanine green có tác dụng tương tự ở người hay không”.
Theo Guardian, chuyên gia về nấm, Giáo sư Brett Summerell, người không tham gia nghiên cứu, cho biết nấm mũ tử thần cực kỳ nguy hiểm và độc hại, thường bị nhầm với các loại nấm khác vì hình dạng khá giống.
Giáo sư Summerell giải thích: “Trong giai đoạn phát triển ban đầu, nấm mũ tử thần có thể giống với nấm rơm được người châu Á sử dụng trong các món ăn. Khi nấm lớn hơn, bạn có thể thấy một chút màu vàng lục trên cây nấm. Loại nấm này mọc gần rễ cây sồi. Nếu bạn nhìn thấy nấm dưới gốc cây sồi, bạn cần cẩn thận và nghi ngờ”.
Ông nói thêm trong khi các chất độc củ một số loại nấm khác có thể bị nhiệt độ cao phân hủy thì chất độc của nấm mũ tử thần vẫn tồn tại trong suốt quá trình nấu nướng.
Các tác giả của nghiên cứu lưu ý ngộ độc nấm là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận diễn biến có lợi ở những con chuột được điều trị bằng indocyanine green 4 giờ sau khi bị ngộ độc. Nhưng hiệu quả tương tự không xuất hiện ở các con chuột bị ngộ độc từ 8 giờ trở tên.
Các nhà khoa học đánh giá: “Điều này có thể do chất độc đã gây ra thiệt hại không thể cứu vãn được. Bởi vậy, indocyanine green nên được sử dụng càng sớm càng tốt trong quá trình điều trị”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Theo Vietnamnet