Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư. Ảnh: THANH HÙNG
Hệ sinh thái đa dạng
Rừng tràm Trà Sư được hình thành năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Năm 1983, rừng tràm Trà Sư trồng với mục đích cải tạo đất phèn tại xã Văn Giáo, với 845ha. Năm 1991, Chi cục Kiểm lâm An Giang quản lý và UBND tỉnh quy hoạch thành Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Năm 1999, thử nghiệm DL. Năm 2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang xây dựng rừng tràm Trà Sư trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên để mọi người đến tham quan và nghiên cứu khoa học.
Rừng tràm Trà Sư có tính đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước được bảo vệ, bảo tồn nguồn gene tốt. Có hàng ngàn cá thể của nhiều quần thể chim, cá, loài lưỡng cư, loài bò sát và côn trùng quý hiếm nằm trong "sách đỏ" sinh sống trong rừng. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, diện tích 1.050ha (toàn bộ khu này là rừng đặc dụng), tăng 205ha. Mỗi năm, nơi đây đón hàng ngàn lượt du khách và lượng khách tăng đều qua từng năm
Để đưa rừng tràm Trà Sư trở thành điểm DL có đẳng cấp quốc gia và quốc tế, UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang giai đoạn năm 2021-2030”. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang coi trọng việc phát triển DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, nhằm góp phần bảo tồn rừng đặc dụng và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư: “Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư là hệ sinh thái đất ngập nước, nên việc quản lý phải theo cách tiếp cận hệ sinh thái một cách bền vững, vẫn duy trì được các chức năng, giá trị, đặc điểm của hệ sinh thái và tài nguyên đất ngập nước, đặc biệt là rừng tràm, thủy sản, các loài chim và cảnh quan thiên nhiên”. Năm 2021, sau khi đề án DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt sẽ tiến hành lập dự án đầu tư DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (do chủ rừng tự thực hiện), trình thẩm định và phê duyệt. Giai đoạn 2022-2023, thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từ năm 2024 bắt đầu triển khai các hoạt động DL.
Nhiều loại hình, sản phẩm du lịch
Các loại hình và sản phẩm DL sinh thái tại rừng tràm Trà Sư, gồm: Tham quan các sinh cảnh rừng tràm và đất ngập nước bằng xuồng chèo tay. Trên đường tham quan, du khách sẽ được xem, nghe giới thiệu về các đặc điểm của đất ngập nước và tài nguyên đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước. Du khách được tham quan phòng diễn giải môi trường, trong đó được giới thiệu các mẫu vật tài nguyên sinh vật trưng bày của khu rừng đặc dụng Trà Sư, nghe giới thiệu về các khu rừng đặc dụng, phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang quản lý (vùng Bảy Núi, núi Sam, núi Sập), về hệ sinh thái đồi núi duy nhất của vùng ĐBSCL. Sinh viên và học sinh các trường đại học và phổ thông của tỉnh An Giang và khu vực được nghe giảng dạy ngoại khóa về hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng tràm, tài nguyên động thực vật và các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở rừng đặc dụng Trà Sư.
Các dịch vụ DL và hạ tầng xây dựng, gồm: Nơi tham quan rừng và đất ngập nước (nghe trình bày ở phòng diễn giải môi trường; đi xuồng tham quan và nghe trình bày trên tuyến DL ở hiện trường). Trong khu nhà diễn giải môi trường sẽ bố trí một gian để trưng bày và bán đồ lưu niệm, các sản phẩm được sản xuất, chế biến bằng nguyên - vật liệu của địa phương, các đặc sản tiêu biểu của Trà Sư và tỉnh An Giang. Sử dụng một gian trong khu nhà diễn giải môi trường để làm nơi hướng dẫn cho du khách DL trải nghiệm về tự nấu các món ăn truyền thống bằng nguyên liệu đặc sản của tỉnh An Giang, để hiểu được giá trị văn hóa sau khi nghe giới thiệu về nguồn gốc thực phẩm, văn hóa ẩm thực, giá trị dinh dưỡng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang được xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động DL sinh thái, như: Xây dựng, nâng cấp đường dẫn từ Trạm bảo vệ rừng Trà Sư trên tuyến đê Nhơn Thới đến Khoảnh 6a. Xây dựng bến thuyền xuất phát từ Khoảnh 6a để đưa khách tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và Phân khu phục hồi sinh thái. Xây dựng một điểm cắm trại để làm nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, có tháp vọng cảnh, các quầy giải khát, nơi tổ chức trò chơi hỏi đáp về những điều khách trải nghiệm trên tuyến DL.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, phương án quản lý rừng bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư sẽ giúp tỉnh An Giang bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm và đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu. Qua đó, làm cơ sở cho việc hợp tác về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đất ngập nước với các nước vùng hạ lưu sông Mekong; giữ ổn định độ che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 68%, đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư từ nay đến năm 2030. |
THU THẢO