Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam bộ - Kỳ 1: Cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc

09/09/2022 - 17:08

 - Người có uy tín là lực lượng quần chúng và là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa bàn dân cư ấp, khu phố, ngoài hệ thống chính trị ở địa phương. Đồng thời, là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Hòa thượng Chau Cắt, xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên) đánh giá cao các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh An Giang tôn vinh, tặng quà tri ân người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem như cầu nối “ý Đảng, lòng dân” của các cấp chính quyền trong việc vận động bà con chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lực lượng quần chúng đặc biệt

Ông Lưu Xuân Thủy, Vụ Trưởng Vụ dân tộc thiểu số (Uỷ ban Dân tộc Trung ương) cho biết: Hiện nay, cả nước có gần 30.000 người có uy tín trong cộng đồng, trong đó khu vực Tây Nam bộ có gần 2.000 người. Đó là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Già làng, Trưởng bản, người có uy tín là một lực lượng quần chúng đặc biệt, luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng dân cư và ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nhận thức, tiếp cận các chính sách dân tộc và sự tham gia của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngại khó khăn, gian khổ, Già làng, Trưởng bản, người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên và phát triển.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, 100% huyện có đường kết nối đến trung tâm tỉnh; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã và 98,6% thôn, bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 97,2%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo, trong đó 91,3% trường học được kiên cố hóa; 99,5 % xã có trạm y tế; 65,8% số xã và 76,7% số thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng... Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được đảm bảo, đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững... Những thành tựa to lớn, đạt được trong thời gian qua là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ công sức, trí tuệ của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín đã khẳng định đây là chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Thông qua thực hiện chế độ, chính sách và phát huy vai trò của người có uy tín đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người có uy tín đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, khơi dậy niềm tự hào và động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò tích cực, có nhiều đóng góp thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo, xây dựng đến sống văn hoá, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc thực hiện chính sách và phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua còn một số tồn tại, bất cập, như: Nhận thức, cách làm của một số cấp ủy, chính quyền chưa thống nhất, chưa thấy hết vị trí, vai trò của người có uy tín, nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và bố trí nguồn kinh phí tương xứng để triển khai thực hiện chính sách và phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan trong thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín chưa chặt chẽ, còn chồng chéo. Chưa chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Một số quy định về lựa chọn người có uy tín đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu về phân cấp thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước; chế độ, chính sách đối với người có uy tín chỉ mang tính động viên, hỗ trợ... nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, triển khai thực hiện chính sách và phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Nhịp cầu gắn kết ý Đảng, lòng dân ở An Giang

An Giang là một tỉnh miền Tây Nam bộ, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại khu vực ĐBSCL và cả nước, với đường biên giới dài gần 104 km giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Toàn tỉnh có 28 dân tộc thiểu số với gần 119.200 người  (chiếm 5,26% dân số cả tỉnh). Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer và Hoa tại An Giang có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, tập thể và dòng họ.

Trưởng ban Dân tộc An Giang Men Pholly cho biết: “Qua 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang đã góp phần giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị tổ chức thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Các vị là những người được bà con tin tưởng và chia sẻ những vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội, là cầu nối, là người giữ mối thông tin liên lạc giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc- là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với đồng bào”.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương chia sẻ: An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, có đường biên giới dài 42,8km2, tiếp giáp 3 huyện Angkorborey, Boreycholsa, KohThum của 2 tỉnh Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia). Dân tộc thiểu số chiếm 11,7% dân số toàn huyện. Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm, chiếm tỷ lệ 3,36%. Có 3/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống), tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu thông thương trao đổi hàng hóa; 86,5% hộ đồng bào dân tộc có nhà ở kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được mua bảo hiểm y tế. Nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được xây dựng mới và sửa chữa khang trang, không còn tình trạng những hộ sinh sống trong căn nhà tre, lá. Đồng bào biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên số hộ đủ ăn và khá, giỏi ngày một tăng, nhiều hộ trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động và sản xuất, trong xây dựng đời sống văn hóa.... Đó là kết quả triển khai đồng bộ nhiều chính sách, trong đó có sự đóng góp rất lớn của những người có uy tín ở địa phương.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly nhấn mạnh: “Các vị uy tín là những người được bà con tin tưởng và chia sẻ những vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội. Là cầu nối, là người giữ mối thông tin liên lạc giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào dân tộc. Các vị là lực lượng quan trọng trong hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng đồng bào; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều người uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương; là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với đồng bào. Bởi họ đầu mối tuyên truyền và cũng là nơi tiếp nhận thông tin phản hồi nhanh nhất từ người dân với chính quyền địa phương. Đồng thời, là những người quan trọng trong công tác, giảm nghèo và phát triển kinh tế gia đình tại địa phương”.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp đã tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vào việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Người có uy tín đã phối hợp với tổ an ninh nhân dân, vận động con cháu, gia đình, dòng họ ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội. Người có uy tín còn tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Quan tâm người có uy tín là việc làm thường xuyên của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã góp phần khuyến khích, động viên kịp thời tinh thần của bản thân và gia đình người có uy tín đã được bầu chọn. Cá nhân từng người có uy tín đã góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.

Để phát huy vai trò người có uy tín, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo, y tế, giáo dục đã đạt được kết quả rõ rệt. Vì vậy, điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, an ninh, trật tự được đảm bảo... góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các ngày lễ, tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, thăm hỏi, tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức các sự kiện chu đáo, trọng thể, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, có thể nhận thấy đại bộ phận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã an tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, tích cực đóng góp trí tuệ, sức lực cùng nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

HẠNH CHÂU