Lãnh đạo Ban Tôn vinh, tặng quà tri ân người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc
Ông Sa Lây Mal, Giáo Cả Thánh đường Jamiul Aman, xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) tích cực tuyên truyền, vận động nhân đồng bào dân tộc Chăm hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
Điển hình, trong đồng bào Khmer có Hòa thượng Chau Cắt (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên), vận động nhân dân xây dựng đường giao thông và kênh Mỹ Á; Thượng tọa Chau Sóc Khênh (huyện Tịnh Biên) vận động nhân dân xây dựng đường giao thông từ Tỉnh lộ 948 vào phum Sà Rất... Ông Chau Sưng, ông Chau KôK-người có uy tín xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) vận động bà con hiến đất mở rộng đường cộ giao thông nông thôn nối từ ấp Tô Thuận đến khu vực Hồ Soài Chếk, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ra đồng và chuyên chở nông sản. Hay Thượng tọa Chau Diên, người có uy tín thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) tích cực vận động, hỗ trợ học bổng cho con em đồng bào Khmer nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Góp phần khôi phục ngành nghề đặc thù tại địa bàn đồng bào Chăm có ông AlyDal (huyện An Phú) vận động đồng bào Chăm khôi phục nghề dệt vải truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ du khách tham quan làng Chăm. Ông Mách Sa lês-người có uy tín xã Nhơn Hội (huyện An Phú) vận động xây nhà Tình thương cho đồng bào Chăm.
Trong đồng bào người Hoa có ông Lư Hỷ, La Việt, Lôi Cẩm Chương, Lý Quốc Thuận, Đàm Mạnh Tài là thành viên Hội tương tế người Hoa có nhiều đóng góp to lớn trong trong việc xây dựng trường học, làm cầu, đường ở địa phương, hỗ trợ tương tế trong đồng bào Hoa giúp nhau cùng phát triển.
Ông Sa Lây Mal, Giáo Cả Thánh đường Jamiul Aman, xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh-an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tôi luôn tuyên truyền, vận động nhân đồng bào Chăm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định…, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, khu dân cư”.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Chau Sia (sinh năm 1954, ngụ ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết: “Những năm qua, nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước tình hình kinh tế - xã hội của xã An Hảo đã có sự phát triển, đời sống của bà con các dân tộc đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận người dân vẫn còn không ít khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trình độ dân trí của bà con dân tộc thiểu số còn thấp là một cản trở lớn. Chính vì vậy, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình của MTTQVN cần đến được với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm làm chuyển biến nhận thức của đồng bào. Từ đó mới tổ chức các hoạt động để phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo vệ quốc phòng-an ninh; nếp sống văn minh, đời sống văn hoá mới sẽ từng bước được xây dựng, củng cố. Để làm được điều này, bản thân tôi và người có uy tín trong xã đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan. Chúng tôi phối hợp chính quyền, Mặt trận tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân “xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội””.
Nói là làm, ông Chau Sia cùng chính quyền địa phương tìm cách vận động, khuyên bảo bà con chăm chỉ làm ăn để nâng cao đời sống, chăm lo con cái học hành, không để thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt. Vận động nhân dân giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như bảo tồn các Lễ hội “Đua bò Bảy núi” được nâng lên thành lễ hội cấp tỉnh. Hàng năm có Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Đôn-ta và một số nhạc cụ cũng được bà con dân tộc Khmer lưu truyền như: Nhạc ngũ âm, đờn cò, Kinh lá buông... được các chùa và phật tử lưu giữ đúng theo truyền thống của người dân tộc Khmer và pháp luật Nhà nước.
Những người có uy tín khác như: Ông Chau Hôm, dân tộc Khmer (xã An Tức, huyện Tri Tôn); ông Gosaly và ông Muhammach (dân tộc Chăm, xã Châu Phong, TX. Tân Châu); bà Dương Thị Tươi (dân tộc Khmer, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn); ông Sa Lây Mal (dân tộc Chăm, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú).... cũng góp phần rất lớn vận động bài trừ, phê phán những tục lệ lạc hậu đang tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, có những kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền các cấp và trực tiếp bàn bạc với đồng bào trong phum sóc để kịp thời đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, bằng uy tín của mình, những người có uy tín luôn sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu. Những dịp lễ hội hay lúc bà con tập trung sản xuất, người có uy tín tranh thủ truyền đạt những nội dung như: Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới, vận động con em không bỏ học giữa chừng, chí thú làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng; vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Vận động nhân dân đoàn kết, thực hiện các cuộc vận động do chính quyền tổ chức hoặc trong phum sóc đề ra... Kết hợp vận động đồng bào nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn sự bình yên ở mỗi phum sóc. Tích cực tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong làng trên cơ sở tập tục của dòng họ, của làng. Đồng thời, kể lại cho đồng bào dân tộc nghe những gì mà cán bộ tỉnh, huyện, xã động viên, nhắc nhở; những việc gì mà đồng bào cần cảnh giác, không nên nghe và không tin lời kẻ xấu xúi giục... Đặc biệt, là phối hợp vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Qua những lời lẽ cũng như những cách tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, về cách làm ăn…, đã góp phần củng cố niềm tin của bà con các dân tộc thiểu số vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.
Ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo, người có uy tín là chức sắc, chức việc các tôn giáo cũng thường xuyên vận động bà con tín đồ, phật tử chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
“Bản thân tôi cũng luôn nói với bà con rằng mình có được cuộc sống sung túc, no đủ như ngày hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, làm đường giao thông, chăm lo cho lớp trẻ được đi học...”-ông Chau Sia chia sẻ.
“Chúng tôi đánh giá cao các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước như chính sách giảm nghèo; chính sách về nhà ở, đất ở; các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; các chính sách y tế, giáo dục... Tất cả các chính sách đều hướng đến việc chăm lo cho đồng bào dân tộc kịp thời, nhất là trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát. Chúng tôi sẽ tích cực đồng hành, làm cầu nối giữa Đảng, nhà nước, chính quyền với bà con dân tộc”- Hòa thượng Chau Cắt, xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên) bộc bạch.
Với phương châm: “Sống tốt đời, đẹp đạo”, cùng với tôn chỉ hành đạo “Học Phật, tu nhân”, những năm qua, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các huyện Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân... đã tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ việc tích cực tham gia xây dựng cầu, đường đến xây, cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương cho người nghèo và các hoạt động từ thiện - xã hội đều thu hút đông đảo bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tham gia…, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao số hộ khá giàu, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, góp phần đưa địa phương sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền và việc làm thực tế, ý thức của người dân ngày càng nâng lên, tích cực tham gia thực hiện nhiều công trình như xây dựng cầu, đường, tăng gia sản xuất, thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt cho biết: Tỉnh An Giang hiện có 136 Ban Trị sự cấp cơ sở với trên 1.000 chức việc. Với tôn chỉ hành đạo “Học phật, tu nhân” và đường hướng hành đạo “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, phát huy vai trò người có uy tín, 5 năm qua, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, bà con tín đồ cơ sở tích cực tham gia các hoạt động từ thiện-xã hội, an sinh xã hội với tổng giá trị trên 346 tỷ đồng. Điển hình là các mô hình, hoạt động: Xây dựng bếp ăn từ thiện (tổng số tiền trên 24,9 tỷ đồng); xây dựng cầu, đường (tổng số tiền trên 48,7 tỷ đồng); xây nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương (tổng số tiền trên 21 tỷ đồng); cấp thuốc nam miễn phí (tổng số tiền trên 34 tỷ đồng); hỗ trợ mai táng miễn phí (tổng số tiền trên 1 tỷ đồng); hỗ trợ khuyến học (trên 1,8 tỷ đồng); hỗ trợ an sinh xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 (hơn 119,9 tỷ đồng)… Đồng thời qua tuyên truyền bà con tín đồ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào, cuộc vận động, thi đua yêu nước do địa phương phát động.
Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) Võ Văn Út cho biết: “Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh An tích cực tuyên truyền vận động bà con tín đồ sống “Tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện-xã hội như: Cất cầu, làm đường, xây dựng nhà Tình thương cho người nghèo, hỗ trợ chuyển bệnh miễn phí, cấp phát quà cho người nghèo… Mỗi năm cất từ 20-30 căn nhà cho người nghèo và 4-5 cầu giao thông được xây dựng..., góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển”.
Tịnh Biên là huyện miền núi, dân tộc và biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh An Giang, với chiều dài tuyến biên giới khoảng 18,7km. Dân số toàn huyện 30.622 hộ, với 108.806 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc thiểu số có 28.834 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 26,50% so với dân số toàn huyện. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp huyện Tịnh Biên đã tích cực vận động đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế và giảm nghèo, tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới.
UBND huyện Tịnh Biên cho biết: Nét nổi bật là người có uy tín không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo mà còn tích cực vận động gia đình, dòng họ và đồng bào các dân tộc đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, người có uy tín còn đi đầu trong việc tìm những biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, xóa bỏ canh tác lạc hậu, tạo ra mô hình, điển hình mới, góp phần thúc đẩy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng. Thông qua mô hình sản xuất- kinh doanh hàng năm có hàng trăm hộ nông dân người dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất- kinh doanh giỏi. Xuất hiện nhiều tấm gương sáng về phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã vận động anh em, dòng họ và người dân tích cực tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất, tiền của cùng hỗ trợ của Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, cải tạo, xây dựng phòng học, trạm y tế. Nhờ sự đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và sự nỗ lực chung tay của đồng bào các dân tộc, đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,44%.
UBND huyện Tịnh Biên cho biết: Cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó có đội ngũ những người có uy tín hiện nay trong suy nghĩ, nhận thức đã thực tế hơn. Nếu như trước đây, sự hiểu biết gắn với am hiểu về luật tục, phong tục tập quán và các mối quan hệ họ hàng của dân làng, thì đến nay sự hiểu biết đó còn gắn với khoa học-kỹ thuật, với những tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ thực tiễn đã chứng minh nhiều người có uy tín không những làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, cộng đồng dân cư thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà họ còn là những tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, là lực lượng nòng cốt góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần tại địa phương. Là nhân tố tích cực trong việc vận động người dân ở thôn, làng và động viên con cháu trong gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao, không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy… Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.
HẠNH CHÂU