Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam bộ - Kỳ cuối: Để tiếp tục nâng cao vai trò người có uy tín

09/09/2022 - 17:07

 - Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu tiếp tục lợi dụng những khó khăn trong đời sống, những thiếu sót trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc, nhằm chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, làm suy giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước. Do đó, đòi hỏi cần phải phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong công tác động viên đồng bào, con cháu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước mà chính quyền, đoàn thể địa phương phát động. Đồng thời, giữ vững sự hòa thuận, đoàn kết trong cộng đồng, giúp đỡ nhau trong sản xuất và trong đời sống; vươn lên thoát nghèo, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Cấp uỷ, chính quyền quan tâm, thăm hỏi, động viên người có uy tín để phát huy được vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Theo Trưởng ban Dân tộc An Giang Men Pholly:  Muốn làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trước hết phải nắm vững quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc. Đồng thời, phải thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên nắm chắc tình hình nhiệm vụ, qua đó có nội dung, biện pháp tiến hành phù hợp. Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, kịp thời trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong đồng bào tôn giáo, dân tộc một cách kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra điểm nóng. Phát huy tốt vai trò những người chức sắc, có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, những người có tư tưởng tiến bộ, tích cực trong lực lượng và chính quyền, để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, phản bác những luận điệu sai trái của kẻ xấu.

Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tuyên truyền vận động nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vận động đồng bào các dân tộc tham gia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước bạn Campuchia.

Bài học kinh nghiệm được tỉnh rút ra qua nhiều năm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đó là: Cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đội ngũ này sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ ngày càng phát triển.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã vùng đặc biệt khó khăn, hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu, tập trung đầu tư phát triển ở các địa phương còn nghèo; phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đào tạo, dạy nghề, dịch vụ làm việc, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển giáo dục, y tế, văn hoá - xã hội vùng đồng bào dân tộc; tăng cường hệ thống chính trị, công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.    Phải xác định công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín là một trong những nội dung quan trọng của công tác dân tộc, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền và có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể.  Phải nắm chắc tình hình, xác định đúng, phân loại rõ, cụ thể phạm vi uy tín, ảnh hưởng của từng người có uy tín để thực hiện công tác vận động hiệu quả, đúng mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Hình thức vận động người có uy tín phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín cần chú trọng tới công tác quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng và định hướng phát triển đội ngũ, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong dân tộc, tôn giáo để tạo nguồn. Đồng thời, thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín và gia đình. Qua đó, góp phần động viên, khuyến khích những người có uy tín, an tâm, phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy Đảng, chính quyền giao.

Giải pháp then chốt

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các ngành, các cấp và người có uy tín cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các ngành, các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người có uy tín. Qua đó, người có uy tín nắm vững thông tin và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng ấp, khóm, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Biểu dương kịp thời người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội, góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Thứ ba, đối với người có uy tín tích cực học tập, quán triệt, nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các cuộc họp triển khai của địa phương và phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo. Nắm chắc nội dung tuyên truyền, tập huấn để vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; từng bước đẩy lùi và loại bỏ những phong tục lạc hậu, nguy hại đang diễn ra trong đời sống cộng đồng dân cư.

Thứ tư, người có uy tín tích cực vận động đồng bào tham gia lao động sản xuất, giảm nghèo; tham gia hưởng ứng các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua yêu nước khác tại địa phương. Chủ động, tích cực tham gia hòa giải ở cơ sở, vận động, cảm hóa đối tượng; đấu tranh ngăn chặn kịp thời các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động và những âm mưu, phương thức hoạt động của kẻ xấu. Tham gia cùng công an, dân quân tự vệ giáo dục thuyết phục các đối tượng lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng.

Thứ năm, giáo dục, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực, chủ động, tham gia có hiệu quả vào quá trình tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, nhằm đảm bảo cho các chính sách dân tộc được triển khai đúng với mục tiêu, đối tượng, định mức và tiến độ. Chủ động đề xuất hoặc tham gia giám sát, quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tại địa bàn, góp phần phát huy hiệu quả của các công trình. Trực tiếp tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn khi được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu. Ra sức vun đắp, xây dựng và khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Phát huy trách nhiệm người dân trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới bằng những hành động thiết thực, việc làm cụ thể. Ra sức xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trở thành gia đình tiêu biểu gương mẫu trong ấp, khóm là tấm gương sáng để đồng bào noi theo.

Thứ sáu, từng người có uy tín nên có kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu cho gia đình mình. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình khác cách thức làm ăn để thoát nghèo; áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu; tích cực tham gia vào việc duy trì, kế tục, bảo tồn, phát huy các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân và gia đình luôn gương mẫu chấp hành pháp luật và gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực giải thích, vận động mọi người cùng chấp hành và thực hiện tốt.

Thứ bảy, phát huy tốt vai trò những người chức sắc, có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, những người có tư tưởng tiến bộ, tích cực trong lực lượng và chính quyền, để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu. Vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới.

Cuối cùng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các lực lượng, làm tốt công tác trao đổi thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình, dư luận trong đồng bào dân tộc; vận động đồng bào các dân tộc không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự. Thường xuyên phát động phong trào đấu tranh, tố giác tội phạm trong đồng bào các dân tộc; hạn chế các vấn đề phát sinh trở thành điểm nóng, nhất là giải quyết dứt điểm các vụ việc có liên quan đồng bào dân tộc như: Các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong đồng bào dân tộc, tôn giáo không để xảy ra khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới...

HẠNH CHÂU