Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam bộ - Kỳ 2: Vai trò và những đóng góp của người có uy tín trên các lĩnh vực

09/09/2022 - 17:08

 - Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động dòng họ, người dân trong xóm ấp thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ổn định cuộc sống, không di cư tự do, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong vùng dân tộc. Đồng thời, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật vào vùng dân tộc thiểu số và có ý thức giáo dục gia đình, dòng họ giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình.

 

Đồng bào dân tộc Chăm giữ gìn nghi lễ truyền thống và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương phát động.

Bộ đội Biên phòng An Giang tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

 Hình thành “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới”.

Hỗ trợ an sinh xã hội tại địa phương

“Cánh tay nối dài”

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết: Trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống. Đồng thời, tham gia giám sát thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo và các chính sách khác tại địa phương. Tích cực tham gia và đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông, xóa nhà tạm, vệ sinh môi trường… Đồng thời, vận động bài trừ hủ tục; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng khóm, ấp đoàn kết, bình yên, phát triển.

Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Tích cực giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

An Giang là địa bàn biên giới, đông dân, có đông đồng bào dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu phao tin, đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định…, góp phần làm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại địa phương, khu dân cư.

Bên cạnh đó, để làm phong phú thêm đời sống tinh thần, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành chính quyền địa phương. Ngoài sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, đội ngũ người có uy tín đã phát huy hết vai trò của mình góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Người có uy tín luôn cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia cùng với các ban, ngành đoàn thể trong ấp, phối hợp các cấp, ngành liên quan tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ những bản sắc văn hoá truyền thống của cha ông; thay đổi và tiến đến từ bỏ các hủ tục, thói quen lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, nòi giống như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Phối hợp các cơ quan có thẩm quyền sưu tầm, phục dựng, lưu giữ những lễ hội, thiết chế văn hoá truyền thống; xây dựng hương ước, quy ước khóm, ấp theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh

Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tỉnh xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh An Giang phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, các Đồn Biên phòng chủ động làm tốt công tác tham mưu cho địa phương về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho người dân tộc ở khu vực biên giới tham gia vào hệ thống chính trị địa phương. Toàn tỉnh An Giang có gần 1.530 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, chiếm 3,42% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp uỷ, bộ máy chính quyền, đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng; có 1 đại biểu đồng bào dân tộc Khmer là đại biểu Quốc hội khóa XV; 315 đại biểu đồng bào dân tộc Khmer tham gia HĐND các cấp...

Đồn Biên phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để giải quyết tốt các vụ việc xảy ra; xây dựng chi bộ khóm (ấp), Tổ an ninh nhân dân, Tổ tự quản đường biên, cột mốc; tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết: Tỉnh đã xây dựng được 20 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (11 người dân tộc Chăm, 9 người dân tộc Khmer); 30 người là chức sắc, chức việc trong tôn giáo; 23 người là Trưởng khóm (ấp) làm nòng cốt phát huy những kinh nghiệm, uy tín của mình tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và cấp ủy, chính quyền, ban ngành, các đoàn thể địa phương giải quyết tốt an ninh trật tự trên địa bàn và bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt, trên khu vực biên giới của tỉnh đã hình thành các mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Trong đó, có 23 Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới (có 12 phụ nữ người dân tộc Khmer tham gia). Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và hơn 900 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, các Đồn Biên phòng còn thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cảnh giác với âm mưu và thủ đoạn của các loại tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy; không bao che tiếp tay cho tội phạm, thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới”. Qua đó, vận động được gần 52.000 hộ gia đình ký cam kết tham gia; đã xây dựng 21 hộp thư tố giác tội phạm ở các cụm tuyến dân cư trên khu vực biên giới. Qua các hoạt động, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng tổ, khóm (ấp) vùng đồng bào dân tộc ngày càng vững mạnh.

Đấu tranh với các hành vi chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Những người có uy tín còn tích cực cùng chính quyền địa phương tuyên truyền đồng bào các dân tộc, tôn giáo nắm vững âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch hiện nay. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới luôn ổn định, các mâu thuẫn và vướng mắc liên quan đến dân tộc, tôn giáo được giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý, không để tồn tại kéo dài, không để xảy ra điểm nóng.

Ngày nay, đến khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào dân tộc sẽ thấy có những bước chuyển mình rõ nét: 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, ấp, 100% số xã có trạm y tế, công trình thuỷ lợi, nhà bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn (có 100% số hộ có điện sinh hoạt), số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày một tăng (hơn 96%). Các tuyến đường chính vùng dân tộc đều được bê-tông, nhựa hóa, góp phần nâng cao sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành các chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” gắn với thế trận “Quốc phòng toàn dân” và “An ninh nhân dân” vững chắc, đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ tôn giáo, dân tộc của các thế lực thù địch; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội trên địa bàn biên giới.

HẠNH CHÂU