Ông An trình bày vụ việc
Theo ông An, trước khi hợp đồng chủ thầu bơm nước tiểu vùng Thoại Giang 3, UBND xã Thoại Giang buộc ông chi trả gần 600 triệu đồng tiếp quản Trạm bơm điện lực Thoại Sơn, trả tiền theo năm. Ông đồng ý xuất số tiền trên, mua chi phí vật tư của trạm. Từ năm 2017 đến 2022, ông trả được 450 triệu đồng. Đến cuối vụ 2023, phải trả thêm 142 triệu đồng.
“Tôi đã thực hiện đúng hợp đồng, đúng yêu cầu của nông dân, bơm nước đúng và đủ trong tiểu vùng đạt 100% sản lượng, sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, người dân rất hài lòng. Thế nhưng, đầu tháng 4 vừa qua, UBND xã Thoại Giang mời tôi đến làm việc, thông báo chấm dứt hợp đồng bơm nước, yêu cầu tôi giao lại vùng bơm nước tiểu vùng Thoại Giang 3 để giao Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của xã quản lý, khai thác bơm nước phục vụ cho thành viên HTX. Đồng thời, buộc tôi trả đủ 142 triệu đồng còn lại.
Tại cuộc họp này, tôi đề nghị được tiếp tục thêm 3 năm nữa (đến năm 2025) để bù lại tổn thất do những năm trước đó thất thu. UBND xã ghi nhận, hứa báo cáo về huyện xem xét. Rất mong cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu lý đạt tình, đảm bảo quyền lợi của tôi” - ông An đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Thoại Giang cho biết, địa phương đang thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến thực hiện xã nông thôn mới thông minh, quản lý sản xuất nông nghiệp trên phần mềm theo chủ trương chung của nhà nước. Do vậy, UBND xã mời ông Lê Phước An đến làm việc, thông báo đã hết hợp đồng. Địa phương không giao cho ông An khai thác bơm nước tiểu vùng Thoại Giang 3 nữa, sẽ giao lại cho HTX nông nghiệp Thạnh Giang quản lý.
Biên bản làm việc ngày 23/11/2017 giữa UBND xã Thoại Giang và ông Lê Phước An ký kết bàn giao khai thác bơm nước tiểu vùng Thoại Giang 3, diện tích 528ha (gồm 451 hộ). Ông An đồng ý khai thác bơm nước tiểu vùng này trong 6 năm (kể từ năm 2017), có trách nhiệm trả nợ gần 600 triệu đồng (gồm tiền nợ vay kiên cố hóa kênh mương 266 triệu đồng, tiền nợ đầu tư trạm bơm điện gần 97 triệu đồng và nợ đầu tư 62 trạm 230 triệu đồng của chủ khai thác trước). Các bên thống nhất trả 100 triệu đồng/năm, bắt đầu từ năm 2017; năm 2022 trả gần 93 triệu đồng là dứt điểm hợp đồng. Tuy nhiên, ông An mới trả được 450 triệu đồng, vì vậy địa phương yêu cầu ông thanh toán 142 triệu đồng còn lại theo đúng quy định.
Trong quá trình khai thác mấy năm qua, địa phương hỗ trợ ông hoàn thành việc bơm nước (đôi lúc bơm chưa kịp thời, bà con phản ánh đến xã). Ngoài ra, việc sẽ giao cho HTX nông nghiệp quản lý nhằm từng bước nâng chất HTX, phục vụ cho bà con trong tiểu vùng đảm bảo chất lượng, giúp bà con an tâm lao động, sản xuất ổn định, xem HTX là nơi đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, địa phương tính đến việc bàn bạc cùng HTX, xin ý kiến cấp trên khôi phục lại đường mương nước nổi, vận động bà con đóng góp làm lại đường cộ để việc bơm tưới, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, giảm giá thành... Vụ việc ông An khiếu nại, địa phương cũng đã báo cáo, xin ý kiến huyện giải quyết.
Được biết, hiện tại UBND huyện Thoại Sơn giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp ngành liên quan cùng UBND xã Thoại Giang, làm việc, báo cáo UBND huyện vào trung tuần tháng 6 để có quyết định giải quyết cụ thể.
K.N