Phát triển các dịch vụ quanh khu công nghiệp

04/06/2018 - 07:19

 - Những năm gần đây, sự phát triển ở các khu công nghiệp (KCN) đã góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động (LĐ) địa phương và tỉnh lân cận. Song hành với số doanh nghiệp (DN) và người LĐ tăng dần, các dịch vụ “vệ tinh” quanh KCN mọc lên như nấm, tạo nên môi trường xôm tụ với nhiều loại hình đa dạng.

Phát triển nhiều nhất phải kể đến quán ăn và nhà trọ. Tại KCN Bình Hòa (Châu Thành), số nhà trọ được cất mới ngày càng nhiều. Trừ những LĐ có nhà ở tại TP. Long Xuyên, Châu Phú, Châu Thành, rất nhiều công nhân (CN) từ huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), tỉnh Đồng Tháp sang làm việc chọn giải pháp ở trọ để thuận lợi trong đi lại. Một số cặp vợ, chồng CN trẻ chọn nhà trọ làm không gian gia đình và nuôi con nhỏ. So với TP. Long Xuyên, các nhà trọ tại đây có giá rẻ hơn, phòng được cất mới nên đảm bảo môi trường, không gian sinh hoạt và an ninh.

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, CN may cho biết, giá thuê khoảng 800.000 đồng/tháng là có phòng ở tương đối tốt. Vì KCN mới thu hút DN nên LĐ chưa nhiều, các dãy nhà trọ khá rộng rãi, không chen chúc chật hẹp như những nơi đông đúc thường thấy. Kèm theo nhà trọ là các dịch vụ sinh hoạt: quán ăn, uống, karaoke, y tế, viễn thông, tạp hóa… Những dịch vụ này rất hút khách bởi tiện lợi, nhanh chóng, giá cả bình dân.

Anh Nguyễn Tuấn Em (Châu Phú), làm việc trong KCN hơn 1 năm nay chia sẻ: “Không kể bữa ăn ca do DN cung cấp, CN chọn ăn sáng và ăn chiều các quán ven đường. Mỗi ngày phải chạy đoạn đường xa, nếu chuẩn bị đồ ăn đem theo sẽ mất thêm thời gian nên hàng quán mọc lên tại đây rất cần thiết. Một phần ăn giá từ 10.000 - 13.000 đồng, bằng với mức hỗ trợ của DN trong công ty”.

Phát triển các dịch vụ quanh khu công nghiệp

Các dịch vụ từ kinh doanh đến miễn phí mọc lên quanh khu công nghiệp

Nhiều gia đình trước đây chỉ làm nông nghiệp, nắm bắt cơ hội này đã đầu tư dịch vụ ăn uống kết hợp bán các sản phẩm nhỏ phục vụ CN. Chị Ngọc Lan mở quán cơm bình dân 2 năm nay cho biết, thấy LĐ đi làm mang theo cơm, nước sẵn, nhà ở cũng không xa lắm nên ban đầu chỉ bán nước giải khát. Sau đó, được nhiều anh em đề xuất phục vụ cơm phần, chị đầu tư quán khang trang, thuê thêm người phụ nấu ăn. Ngoài ra, chị còn dành 1 góc nhỏ trong quán để trưng bày mỹ phẩm, mặt hàng này được rất nhiều CN nữ ưa chuộng và bán chạy.

Bên cạnh các loại hình kinh doanh “hái ra tiền” của tư nhân, quanh KCN hiện nay còn có các dịch vụ nhân văn như: quán cơm miễn phí, quán cơm từ thiện, cơm giá rẻ dành cho LĐ do những người hảo tâm đóng góp. Chỉ để tấm biển đơn giản “Cơm miễn phí”, quán cơm chay của cô Đặng Thị Đỡ phục vụ hàng trăm suất mỗi ngày, ngoài CN còn có nhiều thành phần LĐ khác.

Cùng với quán của cô Đỡ còn có quán cơm Diệu Đăng phục vụ miễn phí, quán cơm chay giá rẻ cho CN, nhiều hộ gia đình bố trí hàng chục thùng nước miễn phí để san sẻ gánh nặng “cơm áo gạo tiền” với người LĐ. Ông Tám Hùng, nhà ở cổng sau của KCN mỗi ngày cung cấp khoảng 5 thùng nước để trước nhà. Ông Hùng trần tình: “Con cháu mình có công ăn việc làm ở tỉnh là mừng, mình góp thêm cho tụi nó tiết kiệm đồng nào hay đồng đó. Chuyện nhỏ mà”.

Việc phát triển các quán vỉa hè, đồ ăn nhanh, thậm chí “chợ cóc” vào 2 buổi tập trung trước cổng là một tiện lợi nhưng người LĐ cũng băn khoăn về an toàn vệ sinh, giao thông, số LĐ tăng dần còn tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Do đó, cần có sự sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện cho người bán có không gian thuận lợi, hiểu biết kiến thức để phục vụ các dịch vụ đảm bảo hơn, an toàn hơn. Bởi, đây là cơ hội của chính những người địa phương để phát triển kinh tế, tạo việc làm nhỏ lẻ, góp phần an sinh xã hội.

MỸ HẠNH