Phát triển cây ăn trái có giá trị

19/03/2021 - 06:15

 - Dù gặp khó khăn vào từng thời điểm nhưng nhìn chung, cây ăn trái vẫn mang lại giá trị cao và thu nhập tốt hơn cho nông dân so với những loại cây trồng khác. Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, xúc tiến doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ là những nỗ lực của ngành nông nghiệp nhằm hướng đến phát triển bền vững diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

Xúc tiến doanh nghiệp liên kết tiêu thụ xoài trên địa bàn tỉnh An Giang

Xây dựng “thủ phủ xoài”

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 17.421ha, trong đó diện tích xoài 11.896ha, chuối 872ha, nhãn 481ha, cây có múi 1.516 ha, mít 948ha…

Trong diện tích xoài hiện có, xoài ba màu (hay xoài tượng da xanh) khoảng 7.400ha, xoài cát Hòa Lộc 1.700ha... Diện tích xoài ba màu tập trung chủ yếu ở 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân thuộc huyện Chợ Mới), chiếm 6.100ha trong tổng diện tích 6.200ha xoài của khu vực này. Các diện tích xoài còn lại rải rác ở các địa phương: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên (An Giang)… với các giống như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài thanh ca, xoài thơm Vĩnh Hòa, xoài keo… Theo Cục Thống kê tỉnh, ước đến cuối năm 2020, tổng diện tích cho trái khoảng 9.200ha.

Đối với mùa vụ trồng xoài, vụ thuận từ tháng 1-4, vụ nghịch từ tháng 10-12. Ngoài vụ thuận và vụ nghịch, nông dân đã biết cách để điều khiển cây xoài cho trái rải rác ở các tháng còn lại nhằm tiêu thụ sản phẩm có giá hơn nhưng sản lượng không nhiều. Ước sản lượng toàn tỉnh khoảng 178.000 tấn xoài/năm, trong đó vụ thuận chiếm 70-80% sản lượng, vụ nghịch chiếm 20-30% sản lượng.

Có 3 loại giống xoài chính cho sản lượng lớn, gồm: xoài ba màu với sản lượng khoảng 110.000 tấn/năm; xoài cát Hòa Lộc hơn 8.000 tấn/năm, tập trung ở Tịnh Biên, Tri Tôn, một ít diện tích ở TX. Tân Châu và TP. Long Xuyên; xoài keo có diện tích khoảng hơn 1.700ha, tập trung ở An Phú và TX. Tân Châu, ước sản lượng hơn 26.000 tấn/năm.

Đối với cây chuối, trong diện tích 872ha, có khoảng 300ha chuối cấy mô (tập trung chủ yếu ở Tri Tôn), thu hoạch rải rác các tháng trong năm, ước sản lượng khoảng 19 tấn/ha/năm. Đối với nhãn, tập trung nhiều ở Châu Phú với diện tích hơn 100ha (nhãn xuồng cơm vàng ở xã Mỹ Đức và Khánh Hòa), thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Đối với cây có múi, diện tích không tập trung, rải rác các huyện với nhiều chủng loại cây, như: cam xoàn, cam sành, bưởi da xanh, quýt đường, chanh… thu hoạch quanh năm.

Chú trọng chất lượng

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, không chỉ tăng diện tích mà các sản phẩm cây ăn trái đạt tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 793ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP (748ha xoài, 5ha bưởi, 40ha chuối), 10ha xoài keo được chứng nhận GlobalGAP.

“Công tác rà soát, đề nghị cấp mã số vùng trồng (mã CODE) rất được quan tâm với 35 mã số, diện tích gần 757,4ha. Các mã số vùng trồng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có 7 mã số vùng trồng cho xoài, 4 mã số vùng trồng cho chuối, 5 mã số cho các cơ sở đóng gói. Ngành chức năng đã cấp 54 giấy chứng nhận vùng trồng đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở, hộ kinh doanh, DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cây ăn trái là 6 cơ sở, còn lại 49 cơ sở sản xuất rau củ quả” - ông Hiền thông tin.

Nhờ nỗ lực xúc tiến, mời gọi của tỉnh, đã có nhiều DN gắn kết tiêu thụ xoài, như: Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty TNHH nông nghiệp Hoàng Phan, Công Ty TNHH Lefarm, Công ty Cổ phần Nafoods Group, Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc xuất khẩu xoài nói riêng và ngành hàng trái cây nói chung rất hạn chế. Chủ yếu xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Trung Quốc là chính, sản lượng còn lại tiêu thụ nội địa và cung cấp cho các công ty chế biến trong nước. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan tiêu thụ hơn 1.000 tấn xoài keo và xoài ba màu để xuất khẩu và chế biến cho xuất khẩu; Công ty TNHH MTV Navi Food tiêu thụ 100 tấn xoài keo để chế biến; Công ty Cổ phần Lavifood tiêu thụ 200 tấn xoài keo, chủ yếu chế biến…

Đối với cây chuối, các trang trại trồng chuối cấy mô tập trung ở huyện Tri Tôn, như: Sáu Đức, Vĩnh Phát, Chuối Việt, Xanh Việt… thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, như: Good Farme, Fesepia, Dollo, Chuối Việt. Trong khi đó, nhãn xuồng cơm vàng Châu Phú, các loại cây có múi do sản lượng chưa đủ lớn để xuất khẩu nên chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh An Giang và các tỉnh bạn.

NGÔ CHUẨN

Một trong những loại cây cho giá trị kinh tế khá cao hiện nay là mít, với tổng diện tích 949ha, trong đó có 365ha đang cho trái. Diện tích mít tập trung nhiều nhất tại các địa phương: Châu Phú, Chợ Mới, TP. Châu Đốc… Mít trái được bán chủ yếu cho thương lái với giá từ 10.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm.