Phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên ngang với mặt bằng chung cả nước

25/03/2023 - 07:28

Ngày 24/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội nghị. 

Chênh lệch chất lượng giáo dục còn lớn

Tại Hội nghị, đại biểu đến từ các tỉnh Tây Nguyên đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại cũng như những khó khăn đặc thù của khu vực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giai đoạn hiện nay. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: giáo dục đào tạo dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn như: số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đang thiếu so với định mức quy định, chưa đáp ứng việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn, thu nhập của giáo viên còn thấp; hệ số, tỷ suất đầu tư cơ sở vật chất, cơ cấu tài chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng dân cư, các dân tộc còn khá lớn; tình trạng quá tải học sinh vùng đô thị, mức độ thiệt thòi thụ hưởng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số còn tồn tại.

Cùng thực trạng trên, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh thiếu 973 giáo viên và thiếu nguồn dự tuyển ở một số bộ môn như tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; cơ sở vật chất trường học còn khó khăn; giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng còn hạn chế về nhiều mặt...

Tăng đầu tư để nâng chất lượng giáo dục 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. 

Từ những khó khăn, thách thức, các đại biểu dự hội nghị cũng đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội trong tương lai.

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho rằng: Khu vực Tây Nguyên có thế mạnh, tiềm năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông sản… do đó việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực sẽ góp phần đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Theo thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây Nguyên có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm, năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011

Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nhiều khó khăn đối với giáo dục, đào tạo khu vực Tây Nguyên như: Quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học còn cao hơn trung bình cả nước. Đây là những rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Để giải quyết những khó khăn hiện tại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị thời gian tới, các địa phương trong khu vực triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW của Bộ Chính trị gắn với đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo. Trong đó, chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn; có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển các cơ sở giáo dục tư thục; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định; có kế hoạch đặt hàng, định hướng các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với địa phương.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các địa phương cần có nhận định, đánh giá về đặc điểm của vùng, của địa phương để kịp thời đưa ra những chính sách, định hướng phát triển phù hợp; tập trung cao độ cho việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đổi mới hiệu quả giáo dục; giáo dục phổ thông của Tây Nguyên phải đảm bảo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.

Theo TUẤN ANH (TTXVN)