Phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng bè

28/04/2020 - 04:58

 - Khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước trên các sông lớn, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình nuôi giống cá có giá trị kinh tế cao trong lồng bè để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập gia đình và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, hệ thống sông rạch chằng chịt, nguồn nước dồi dào, đặc biệt do sông Tiền, sông Hậu chảy qua có lưu lượng dòng chảy tương đối lớn, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển các loài thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng bè đã có từ lâu đời, người dân có kinh nghiệm lâu năm để nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, như: cá lăng nha đuôi đỏ, cá basa, cá điêu hồng, cá hú, cá heo, cá lóc bông…

Hơn 10 năm lựa chọn cá điêu hồng để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông tại cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang), anh Nguyễn Thanh Trường cho biết, lý do anh chọn cá điêu hồng vì đây là loại cá dễ nuôi, mau lớn, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ sống cao hơn và cá ít bị dịch bệnh. Mặc dù không phải là loài cá hiếm, nhưng so với các loại cá khác thì cá điêu hồng có thị trường tiêu thụ rộng và là một trong những giống cá nước ngọt được mọi người chọn nuôi nhiều hiện nay. Mặt khác, cá điêu hồng dễ dàng bán được ở các siêu thị, chợ lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn xuất khẩu sang Campuchia.

Hiện tại, đang sở hữu 6 bè cá với tổng diện tích mặt nước khoảng 240m2, trung bình mỗi năm anh Trường thả cá để nuôi xoay vòng được khoảng 12 bè cá. Nuôi khoảng 5-6 tháng, cá đạt trọng lượng từ 600-900gr/con là có thể xuất bán. “Giá cá điêu hồng bán cho thương lái tương đối ổn định, từ 35.000-45.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi bè nuôi còn lời khoảng 20-25 triệu đồng”- anh Trường chia sẻ.

Nuôi cá điêu hồng ở lồng bè trên sông

Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Tiền (thuộc xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới), anh Nguyễn Văn Tùng thông tin: “Cá lăng nha đuôi đỏ thịt trắng, chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon được nhiều người ưa chuộng. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên nên ngày càng khan hiếm. Vì vậy, nuôi cá lăng nha đuôi đỏ thương phẩm trong thời gian qua được rất nhiều người nuôi cá lồng bè truyền thống lựa chọn, trong đó có tôi”.

Theo anh Tùng, cá lăng nha đuôi đỏ thích hợp với môi trường nước chảy, sống chủ yếu ở tầng đáy nên khi nuôi trong lồng bè trên sông cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, ít bị dịch bệnh và hao hụt trong quá trình nuôi. Mặc dù thời gian cho thu hoạch cá lăng nha đuôi đỏ lâu hơn nhưng lợi nhuận cao hơn các loài cá khác. Điều kiện và kỹ thuật nuôi cá lăng nha đuôi đỏ cũng không quá khó, tùy theo khả năng đồng vốn đầu tư của mỗi hộ mà có thể làm lồng bè với quy mô, kích thước khác nhau nhưng phải có mái che mát cho lồng bè.

Nuôi cá lăng nha

Cá lăng nha đuôi đỏ chủ yếu ăn các loại cá sống nước ngọt hoặc cá biển nên nguồn thức ăn dễ tìm, chi phí rẻ, nhất là mùa nước nổi. Trung bình muốn có được 1kg cá thịt cần khoảng 5kg cá mồi. Vụ cá thường kéo dài khoảng 12-18 tháng với trọng lượng đạt 1,3kg/con, nếu nuôi hết cỡ cá có thể đạt trọng lượng từ 3-4kg/con. Cá lăng nha đuôi đỏ chủ yếu được tiêu thụ ở các chợ lớn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, TP. Hồ Chí Minh hoặc xuất bán qua Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Hiện nay, thương lái mua cá lăng nha đuôi đỏ thương phẩm tại bè với giá khoảng 80.000 đồng/kg. Anh Tùng đang sở hữu 6 bè cá lăng nha đuôi đỏ với 370m2 diện tích mặt nước, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư về con giống, thức ăn, thuốc và chi phí khác, mỗi năm gia đình anh Tùng thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Tùng còn đầu tư, thả nuôi thêm 5 bè cá vồ đém với tổng diện tích 250m2 để lấy ngắn nuôi dài.

“Từ lúc thả con giống đến khi xuất bán khoảng 7 tháng, nhưng nhờ thả nuôi xoay vòng giữa các bè, nên cứ 3 tháng là có thể xuất bán 1 lần. Trung bình mỗi bè, tôi thu hoạch được 10 tấn cá vồ đém thương phẩm, trừ chi phí còn lời khoảng 100 triệu đồng/bè” - anh Tùng cho biết.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhằm góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè, ngư dân nên hướng đến áp dụng công nghệ cao theo các quy trình, tiêu chuẩn được công nhận, như: VietGAP, ASC, GlobalGAP… gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo hướng hiện đại, để tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

TRỌNG TÍN