Phát triển kinh tế với nghề làm cốm mì

26/11/2021 - 07:25

 - Từ nghề sản xuất cốm của gia đình, chị Võ Thanh Ngọc và anh Kiều Thanh Dũng (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó có sản phẩm cốm mì được đánh giá cao và thị trường đón nhận.

Nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống 3 đời làm cốm nên chị Võ Thanh Ngọc nắm bắt được các công đoạn cũng như bí quyết riêng. Sau khi lập gia đình, chị Thanh Ngọc quyết định chọn nghề làm cốm để phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình chị chỉ làm mỗi sản phẩm cốm truyền thống. Dần dần, khi các sản phẩm này bão hòa, thị trường tiêu thụ thu hẹp nên chị Ngọc bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, cho ra thị trường sản phẩm cốm mì (làm từ khoai mì) mang hương vị độc đáo, hấp dẫn. Đây là sản phẩm được chị Võ Thanh Ngọc dự thi tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần V-2021 vừa qua.

Nhờ ứng dụng các loại máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp sản phẩm cốm mì nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường

Để làm ra sản phẩm cốm mì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và công phu. Chị Thanh Ngọc cho biết, nguyên liệu chính là khoai mì sẽ được lựa chọn kỹ và xử lý để tạo thành bột. Phần bột này sau đó được phơi khô, tráng mỏng, sấy khô, chiên trên dầu nóng. Tiếp đến là công đoạn trộn cốm. Để có mẻ cốm ngào ngon đủ vị thì ngoài đường, người thợ còn chuẩn bị thêm rất nhiều gia vị, phụ liệu theo bí quyết riêng của gia đình. Sản phẩm sau đó được đổ ra khuôn, dàn đều, ém chặt, chờ nguội bớt mới cắt thành miếng, cho vào túi ny-lon bảo quản.

Nhờ sử dụng công thức riêng đã tạo cho sản phẩm hương vị độc đáo, được người tiêu dùng đón nhận. Chị Thanh Ngọc chia sẻ: “Sản phẩm cốm mì có mặt trên thị trường từ lâu. Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm, mình phải nghĩ ra công thức riêng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”.

Ứng dụng công nghệ mới

Trước đây, sản phẩm được làm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, nhờ sử dụng các loại máy móc tiên tiến đã giúp việc sản xuất được thuận lợi hơn. Đặc biệt, năm 2020, gia đình chị Thanh Ngọc được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng để thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất cốm”.

Thực hiện đề án này, cơ sở đã đầu tư 1 máy nấu, trộn; 1 máy cán, ép, cắt sản phẩm; 1 máy chiên, lấy cặn đáy và mặt, với tổng chi phí trên 610 triệu động. Từ khi được hỗ trợ đầu tư thiết bị tiên tiến đã giúp cơ sở rút ngắn được thời gian, công sức lao động, từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù sản xuất bằng máy móc nhưng các loại bánh sản phẩm của gia đình nói chung, sản phẩm cốm mì nói riêng vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng nhờ có những bí quyết cũng như kinh nghiệm phối trộn nguyên liệu và chế biến… Theo chị Thanh Ngọc, với phương châm “lấy chất lượng, uy tín làm đầu” nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng, tin tưởng sử dụng và được người tiêu dùng ở nhiều nơi biết đến. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 60kg cốm mì. Những lúc cao điểm, sản lượng có thể tăng gấp đôi. Sản phẩm cốm mì được bán lẻ với giá 2.000 đồng/gói, thị trường tiêu thụ rộng lớn ở các tỉnh ĐBSCL, kể cả miền Bắc... Đồng thời, gia đình chị Ngọc đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với việc phát triển sản phẩm cốm mì đã góp phần hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ đầu ra nông sản. Không những vậy, nghề làm cốm mì còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản xuất cốm mì, gia đình chị Ngọc còn sản xuất thêm các loại sản phẩm cốm bắp với nhiều hương vị độc đáo, như: Cà phê, sữa dừa, dâu tây... Các sản phẩm hiện đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Thời gian tới, cơ sở sẽ nghiên cứu, phát triển thêm các loại sản phẩm mới, đặc biệt có sản phẩm cốm làm từ gạo lứt, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Gia đình chị Võ Thanh Ngọc và anh Kiều Thanh Dũng mong muốn được sự hỗ trợ kinh phí của ngành chức năng để phát triển quy mô cơ sở. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và tạo điều kiện để liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần V-2021 vừa qua, sản phẩm cốm mì của chị Võ Thanh Ngọc và anh Kiều Thanh Dũng đã được trao giải nhì của cuộc thi.

ĐỨC TOÀN