Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

29/01/2018 - 01:00

 - Nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia, trong đó trình độ phát triển nguồn nhân lực (NNL) là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) xác định phát triển NNL là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Xây dựng và phát triển NNL là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT-XH. Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng NNL được tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể hóa kế hoạch giai đoạn và điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế, hàng năm, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trên địa bàn tỉnh. Cùng với đào tạo đội ngũ CB có trình độ cao, tỉnh tập trung bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa công sở, đạo đức công vụ. Đồng thời, giới thiệu giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Toàn tỉnh có 2.584 CB-CC, trong đó có 13 tiến sĩ (0,5%), 155 thạc sĩ (6%), 2.135 đại học (82,6%), 40 cao đẳng (1,6%), 201 trung cấp (7,8%), 40 qua đào tạo sơ cấp (1,6%); có tổng số 35.885 viên chức, trong đó có 3 Phó Giáo sư (0,008%), 69 tiến sĩ (0,19%), 1.209 thạc sĩ (3,36%), 22.483 đại học (62,65%). Tuy nhiên, lực lượng lao động (LĐ) trong nông nghiệp ở nông thôn phần lớn là chưa qua đào tạo, thiếu LĐ có tay nghề.

Trong lĩnh vực du lịch (DL), có 2.568 LĐ trực tiếp (550 người từ đại học trở lên, 800 người có trình độ cao đẳng, trung cấp; 1.100 được đào tạo về DL), số LĐ có chuyên môn, kỹ thuật cao chỉ tập trung vào các khách sạn đạt chuẩn xếp hạng; trong khi các khu DL trọng điểm, đơn vị lữ hành và doanh nghiệp dịch vụ DL chưa coi trọng việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, chất lượng phục vụ còn hạn chế. Chất lượng đào tạo chuyên ngành DL chưa cao, nhiều học viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Hồng Khâm cho rằng: số lượng và chất lượng trí thức hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển; cơ cấu đội ngũ trí thức còn những mặt bất cập, bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, phân bố trên các địa bàn; chuyên gia đầu ngành còn thiếu; các đề tài khoa học còn thiếu tính thực tiễn... sẽ là thách thức trong quá trình phát triển NNL ở tỉnh ta trong thời gian tới. Nếu chúng ta không có giải pháp hiệu quả thì năng lực, kiến thức của CB-CC-VC, doanh nhân trong tỉnh ta sẽ không theo kịp với yêu cầu phát triển của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần 4…

“Mong rằng, đội ngũ trí thức của tỉnh cần tiếp tục phát huy, tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới; năng động hơn nữa, phát huy tri thức trong thực tế hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu đề tài khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn; đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; tiên phong bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; không ngừng nâng cao bản lĩnh, tài năng và tinh thần đoàn kết… đáp ứng kỳ vọng của người dân để tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững”.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt mong muốn đội ngũ trí thức tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai các văn bản của Trung ương và tỉnh về phát triển NNL để thực hiện hiệu quả các ngành KT mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Cùng với đó, làm tốt công tác phân tích, dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch phát triển NNL của tỉnh, góp phần phát triển NNL chất lượng, thích ứng với sự phát triển khoa học - công nghệ. Ưu tiên tuyển chọn, đào tạo chuyên gia giỏi, có chính sách thu hút nhân tài; tiếp tục đào tạo, bồi dượng nâng cao chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất các trường, cơ sở đào tạo của tỉnh. Nâng cao ý thức khởi nghiệp sâu rộng trong xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn; khuyến khích khả năng sáng tạo của thanh, thiếu niên…

Đồng thời mong muốn, đội ngũ trí thức tỉnh nhà tiếp tục năng động hơn nữa, phát huy tri thức trong thực tế hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng vào thực tiễn; tiên phong bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.     

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích