Phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn

21/08/2020 - 04:27

 - Nhân lực là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Xác định tầm quan trọng đó, ngày 5-12-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động số 09 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của tỉnh đã đạt nhiều kết quả.

Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, du lịch

Xác định việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Quán triệt quan điểm tại Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là  “Chú trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, hoa học - kỹ thuật và đội ngũ doanh nhân phục vụ yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.

Ngay sau khi Chương trình hành động số 09 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch kịp thời để triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch (DL). Việc phát triển nguồn nhân lực gắn với quá trình đổi mới chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển đội ngũ nghiên cứu để tư vấn chính sách phát triển và chuyển giao công nghệ, đảm bảo đồng bộ giữa khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đối với đội ngũ xúc tiến thương mại, đầu tư; phát triển đội ngũ doanh nhân, chủ cơ sở kinh tế cá thể và đội ngũ lao động trực tiếp chuyên nghiệp. Lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động làm căn cứ đánh giá kết quả, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Trong đó, chú trọng đến 2 lĩnh vực: nông nghiệp và DL. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 28.300 lượt, với 6,68% nhân lực công và 93,32% nhân lực xã hội. Trong đó có 62,99% nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, 6,93% nhân lực phục vụ phát triển DL và trên 30% nhân lực được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng.

Thời gian qua, tỉnh quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành du lịch và nông nghiệp

Các sở, ngành, địa phương còn tổ chức, đưa người tham gia nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công; tăng cường các kỹ năng ngoại ngữ, thực tập trong nước tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất, ứng dụng của các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao... Tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và phát triển kỹ năng sản xuất hội nhập thị trường; tập huấn chuyên sâu thành lực lượng nòng cốt nông nghiệp tại địa phương; hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động trẻ tham gia các chương trình thực tập sinh nông nghiệp ở nước ngoài. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên DL, quản lý điều hành DL; nghiệp vụ lễ tân, chế biến món ăn; tập huấn kiến thức văn minh DL cho cộng đồng tại các khu, điểm DL...

Tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Để thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH và hội nhập quốc tế, tỉnh tập trung xây dựng nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và DL trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp trong Chương trình hành động số 09 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tiếp tục xác định việc phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài. Đặt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh và từng địa phương. Tăng cường công tác dự báo về diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực; có chính sách điều tiết quy mô và cơ cấu đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển KTXH, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí trong công tác đào tạo. Nghiên cứu đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp trong học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là các môn ngoại ngữ, tin học.

Tăng cường đầu tư ngân sách và đổi mới cơ chế chính sách cho phát triển nguồn nhân lực; rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tôn vinh, đãi ngộ và thu hút cán bộ khoa học, quản lý, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong khoa học - kỹ thuật. Đầu tư lựa chọn những học sinh, sinh viên giỏi có năng lực, có triển vọng phát triển tốt ở các trường.

Thực hiện cơ chế đặt hàng trực tiếp các nhà khoa học của tỉnh bên cạnh cơ chế tuyển chọn cạnh tranh để giao nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức xã hội, khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài phục vụ phát triển KTXH của tỉnh.

THU THẢO