Phát triển sản phẩm OCOP trong toàn tỉnh An Giang

17/04/2020 - 06:10

 - Bên cạnh tập trung hỗ trợ, nâng cấp, củng cố, phát triển 10 sản phẩm OCOP chủ lực, tỉnh phấn đấu trong năm 2020 có từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được công nhận và có ít nhất 2 sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu này, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải có ít nhất 3 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế nhất tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh.

Tăng mục tiêu phấn đấu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020 (OCOP_AG) với quyết tâm phấn đấu cao.

Mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn tỉnh An Giang.

Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

Một buổi họp đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng nông thôn tỉnh.

Từ đó, phát huy nội lực các thành phần kinh tế, khai thác thế mạnh các sản phẩm truyền thống và phát triển các sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thông qua OCOP, các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt thực hiện các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ sản phẩm OCOP.

Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh mục tiêu nâng chất 10 sản phẩm OCOP chủ lực, phấn đấu có từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được công nhận (cấp huyện có ít nhất 3 sản phẩm phân hạng cấp tỉnh) và ít nhất 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia, tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện) tham gia chương trình OCOP; đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình.

Cùng với đó, hình thành 3 trung tâm hoặc điểm bán sản phẩm OCOP An Giang tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, phân phối sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, hội thảo để tập trung giới thiệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai hiệu quả chương trình OCOP. UBND tỉnh yêu cầu tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để các tầng lớp xã hội và hộ sản xuất - kinh doanh thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện.

Chính quyền, ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình OCOP, nguyên tắc và chu trình OCOP thường niên; đưa chương trình OCOP vào chương trình hành động của chính quyền các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên.

Cùng với xây dựng sổ tay triển khai chương trình OCOP, UBND tỉnh yêu cầu đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng chuyên mục, chuyên đề về chương trình OCOP của tỉnh và tăng thời lượng tuyên truyền; thường xuyên đăng tải các tin, bài, nêu gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện chương trình OCOP.

Nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP rộng rãi, An Giang sẽ tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tỉnh An Giang lần I-2020. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP; chú trọng hình thức thương mại điện tử trong quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Dự kiến thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình OCOP tỉnh An Giang đến cán bộ chủ chốt các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất. Sau đó tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp cũng như các chủ thể tham gia chương trình; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh cũng như trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (được sử dụng nhãn hiệu, logo OCOP_AG), kết nối đầu ra cho các sản phẩm này…

NGÔ CHUẨN