Phát triển thương mại điện tử

03/04/2023 - 02:48

 - Những năm qua, kinh tế tỉnh An Giang có bước tăng trưởng cao, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, hệ thống thương mại có bước phát triển tương đối khá, cơ bản đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Trong đó, có sự phát triển của thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với phát triển công nghệ số, thương mại điện tử là xu hướng chung của hội nhập. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực, phát triển thương mại điện tử là hướng đi đúng đắn, an toàn để duy trì các hoạt động kinh tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường trong và ngoài nước theo hình thái mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, cùng với xu thế phát triển chung, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong việc thực hiện thương mại điện tử thông qua việc thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) trên địa bàn có nhu cầu tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ, đưa sản phẩm của các DN tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Năm 2022, hỗ trợ trên 60 DN, cơ sở SXKD, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh cá thể mở gian hàng trực tuyến trên trên sàn thương mại điện tử (sanphamangiang.com). Kết quả, có trên 1.687 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu, giúp các cơ sở, DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm trong hoạt động SXKD, giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng nhà phân phối trong và ngoài nước mở rộng thị trường và tăng doanh thu trong bối cảnh hội nhập.

Theo Sở Công Thương, năm qua, đã hỗ trợ 50 DN trong tỉnh mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử Shopee và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; các sản phẩm của An Giang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, nhanh hơn, tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, các DN An Giang mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử Shopee, giúp đẩy mạnh hiệu quả bán hàng và nhận thức của các DN, người tiêu dùng.

Sở Công Thương còn phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử rà soát và tổng hợp danh sách DN nhập khẩu uy tín và các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) phục vụ kết nối các sản phẩm đăng tải trên trang Cổng thông tin thị trường nước ngoài (vietnamexport.com). Kết quả, đã đăng tải thông tin 10 DN xuất khẩu uy tín. Đồng thời, hỗ trợ các DN, cơ sở SXKD, tổ hợp tác, HTX, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước (sanphamangiang.com, Lazada, Shopee, Tiki...).

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Các ngành, đơn vị thường xuyên phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ ở các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, phát triển 1.015 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp Petrolimex và PVOil An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống 60/65 cửa hàng xăng dầu của 2 đơn vị. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà-phê, tiệm vàng, khu du lịch, spa, bệnh viện…

Đến cuối năm 2022, đã triển khai hơn 200 đơn vị chấp nhận thẻ Agribank An Giang nhằm tạo chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của người dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các siêu thị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống siêu thị với giải pháp thanh toán bằng thẻ ATM, chuyển khoản hoặc mã QR, được siêu thị bố trí để khách hàng có thể tự trả tiền…

Anh Nguyễn Văn Minh (42 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cho biết: “Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi và các đồng nghiệp thường thanh toán việc mua hàng, các giao dịch bằng cách chuyển khoản, quẹt thẻ ATM, quét mã QR… Việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt giúp tôi dễ dàng kiểm soát việc thu, chi hàng ngày, hàng tháng thông qua tin nhắn thông báo của ngân hàng cài đặt trên điện thoại thông minh”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn thực hiện tốt việc triển khai cho người nộp thuế khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử trên địa bàn; triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong hệ thống bệnh viện, nhằm giúp bệnh nhân thuận lợi trong thanh toán viện phí, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; triển khai thanh toán học phí cho một số trường học...

Chị Phan Thị Thanh (phụ huynh Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm, TP. Long Xuyên) cho biết: “Việc nhà trường thực hiện thu học phí hàng tháng qua chuyển khoản vào tài khoản của trường rất tiện lợi, giúp phụ huynh không mất nhiều thời gian đến trường, chờ đóng tiền học phí cho con”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) đang nuôi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang chia sẻ: “Tôi rất ngại việc đem nhiều tiền mặt vào bệnh viện vì đôi khi nuôi bệnh mệt, ngủ quên, sợ kẻ gian lợi dụng móc túi là mất hết tiền. Bệnh viện thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tôi thấy rất thuận lợi cho người bệnh và thân nhân, giúp hạn chế việc mang nhiều tiền mặt, tránh bị kẻ gian lợi dụng nơi đông người móc túi”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, bên cạnh các giải pháp về đầu tư hạ tầng và công tác quản lý, thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển thương mại điện tử trên cơ sở sàn giao dịch điện tử; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại. Đồng thời khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận thương mại và hàng giả, đánh cắp thông tin, tài khoản.

THU THẢO