Sở Công thương cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động cung cấp thông tin đến các DN sớm tiếp cận phát triển thương mại điện tử để DN đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với nhiều phương thức bán hàng đa dạng, như: mua sắm trực tuyến (online), giao hàng tận nơi, thanh toán không dùng tiền mặt.
5 năm qua, Sở Công thương An Giang phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã hỗ trợ 33 DN xây dựng Website, 40 DN xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh và 6 DN xây dựng phần mềm quản lý khách hàng thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia; hỗ trợ 25 DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp trong tỉnh kết nối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong nước, như: Lazada, Shopee, Tiki...
Đặc biệt, đã hỗ trợ 7 DN xuất khẩu thủy sản và gạo lên sàn thương mại điện tử Alibaba (Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần XNK An Giang, Công ty Cổ phần XNK Thủy sản An Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt...); hỗ trợ 9 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh trao đổi trực tiếp B2B với quản lý cao cấp của Amazon Gobal Selling Việt Nam thông qua kênh bán hàng Amazon để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Năm 2020, kết quả thực hiện thanh toán điện tử liên ngân hàng tổng doanh số phát sinh chuyển tiền đi 90.016 tỷ đồng, chuyển tiền đến 59.843 tỷ đồng; thanh toán qua Internet Banking chuyển tiền đi 10.246 tỷ đồng với 774.529 món và chuyển tiền đến 3.346 tỷ đồng với 260.911 món; thanh toán qua ví điện tử doanh số chuyển tiền đi 47 tỷ đồng và chuyển tiền đến 76 tỷ đồng; thanh toán qua SWIF, thanh toán qua tổ chức tín dụng khác với doanh số chuyển tiền đi 1.714 tỷ đồng và chuyển tiền đến 4.666 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh An Giang, các tổ chức tín dụng rất tích cực, nghiêm túc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như: thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ, Internet Banking, ví Momo... Chủ động liên hệ các đơn vị có cung ứng dịch vụ công nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của đơn vị mình cung ứng để hợp tác, ký kết các thỏa thuận phối hợp thanh toán thu các hóa đơn định kỳ, như: tiền điện, tiền nước, điện thoại, học phí; liên kết với các điểm thu nộp thuế, hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng.
Thực hiện thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt tại các tổ chức tín dụng. Ảnh: H.C
Quý I-2021, thực hiện thanh toán điện tử liên ngân hàng doanh số phát sinh chuyển tiền đi là 27.312 tỷ đồng, với 67.771 món; doanh số phát sinh chuyển tiền đến là 17.908 tỷ đồng với 75.440 món; thanh toán qua Internet Banking doanh số chuyển tiền đi là 36.853 tỷ đồng với 1.039.784 món và chuyển tiền đến là 2.168 tỷ đồng với 106.777 món; thanh toán qua ví điện tử doanh số chuyển tiền đi là 14,8 tỷ đồng với 19.408 món và chuyển tiền đến là 8,7 tỷ đồng với 4.210 món. Thanh toán qua SWIFT, qua tổ chức tín dụng khác doanh số chuyển tiền đi là 550 tỷ đồng với 687 món và chuyển tiền đến là 1.095 tỷ đồng với 2.824 món.
Đến nay, tỉnh phát triển đồng bộ các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại phát triển đan xen với chợ truyền thống, thuận lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Toàn tỉnh hiện có, 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 72 cửa hàng tiện lợi, 203 chợ truyền thống. 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) để người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
Trên cơ sở phát huy kết quả và điều kiện hạ tầng thương mại, các DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã có sự quan tâm chuyển đổi số. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 179/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025 làm nền tảng để phát triển thương mại điện tử hiệu quả hơn thời gian tới.
Phấn đấu đến năm 2025, An Giang đứng hạng thứ 25 của cả nước và đứng hạng thứ 4 của khu vực ĐBSCL về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Sở Công thương định hướng phát triển nhiều loại hình kinh doanh mới, như: đa dạng hóa các loại hình thương mại điện tử, bán hàng online, giao hàng tận nơi; khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các nhà mạng viễn thông phát triển thêm nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR-code, Internet Banking, ví điện tử, Zalo Pay, ViettelPay, VNPT Pay...
Hoạch định từng giải pháp trọng tâm như: hỗ trợ DN triển khai và khuyến khích người dân, DN sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR-code...
Tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử ở các khu vực có sức mua lớn trên địa bàn An Giang, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công; ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương. Đặc biệt, Sở Công thương đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho các DN tham gia Đề án “Ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn An Giang”.
HẠNH CHÂU