Phim giả tưởng Việt – giấc mơ đang trở thành hiện thực?

13/09/2020 - 14:51

Trong 15 năm trở lại đây, phim Việt xuất hiện hàng chục tác phẩm với đề tài giả tưởng, gồm cả điện ảnh và truyền hình, từng bước gây ấn tượng với khán giả.

Đôi khi, chán với những tình huống phim “không thể đời hơn”, khán giả chuyển sang tìm kiếm cảm xúc từ phim giả tưởng với những nhân vật có năng lực siêu nhiên, hay tình huống câu chuyện xảy ra ở một không gian huyền diệu…

Phim giả tưởng dù đối với phương đông hay phương tây đều luôn hấp dẫn không thể cưỡng lại, bởi những câu chuyện hay nhân vật huyền bí luôn thu hút nhân loại dù trong quá khứ còn bao phủ bởi bóng đêm mê tín, hay ngay trong thế giới hiện đại, khi nhiều hiện tượng đã được ánh sáng khoa học soi chiếu.

Phim giả tưởng đang ngày càng ăn khách trên khắp thế giới, từ phim truyền hình đến các phim chiếu rạp. Tuy nhiên, trong giới sản xuất phim ở Việt Nam, đây vẫn là phạm trù khá xa lạ bởi nhiều rào cản, đặc biệt là kịch bản và kỹ xảo. Nhưng không phải Việt Nam không có phim giả tưởng. Trong 15 năm trở lại đây, phim Việt đã xuất hiện hàng chục tác phẩm gồm cả phim điện ảnh và phim truyền hình với đề tài này, từng bước gây ấn tượng với khán giả trong nước.

Lửa Phật - 2013

Đây là một bộ phim điện ảnh do Dustin Nguyễn làm đạo diễn, biên kịch, sản xuất và đóng vai chính. Phim còn có sự tham gia của Ngô Thanh Vân, Thái Hòa và diễn viên Hollywood Roger Yuan.

Phim giả tưởng Việt – giấc mơ đang trở thành hiện thực? - 1

Lửa Phật  khởi chiếu ngày 22-8-2013 và được coi là bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam. Phim kể về Đạo – một người có võ công cao cường, từng làm tướng quân trong quân đội. Sau khi giúp vua đánh đuổi giặc ngoại xâm, ông rời khỏi quân ngũ và đi tìm cuộc sống bình yên. Đạo đến sinh sống tại một ngôi làng, nơi ông gặp lại Ánh – người yêu cũ hiện đã có chồng con. Ông ở tạm trong nhà của Ánh, dạy võ cho con trai cô để cậu bé có thể tự vệ trước đám bạn côn đồ.

Ngay khi đặt chân đến ngôi làng này, ông vô tình chọc giận bọn giang hồ. Sau nhiều lần trừng trị ông không thành, chúng mời một cao thủ từ nơi khác đến, đó chính là Long, người trước đây là bạn của Đạo và Ánh trong quân ngũ.

Trận chiến giữa Đạo và Long còn có sự tham gia của vợ chồng Ánh – hai người muốn giúp Đạo. Nhưng Long quá mạnh nên cả ba đã thất bại. Long định làm hại bé Hùng – con trai của Ánh. Lúc này, cậu bé tạo ra một quá đấm lửa khiến Long sững sờ. Đó là dấu hiệu cho thấy, cậu bé này chính là con ruột của Long. Câu chuyện hé lộ, năm xưa lúc còn trong quân đội, Ánh từng ngủ với Long để cầu xin ông tha mạng cho một binh sĩ, và bé Hùng chính là kết quả… Xúc động, Long tự sát bằng cách thiêu đốt toàn thân mình.

Fan cuồng – 2015

Nếu bạn vừa là tín đồ của nhạc rock vừa là một tín đồ của phim kết hợp yếu tố giả tưởng thì Fan cuồng là một lựa chọn dành cho bạn. Bộ phim quay ngược về năm 1996 –thời kì hoàng kim của rock Việt. Khi ấy, ban nhạc rock lừng danh Sexy Beast tan rã do có ca sĩ dính vào chuyện tình ái với cô gái Mỹ Kỳ.

20 năm sau, không còn một ai thích rock trừ Thái Rocker. Anh mở một tiệm bán đĩa nhạc rock nhưng do sự tàn lụi của thể loại này mà quán luôn ế ẩm. Cho rằng Mỹ Kỳ là nguyên nhân khiến ban nhạc sụp đổ, thêm vào việc tìm hiểu được cỗ máy thời gian, Thái quyết định sẽ trở về năm 1996 để ngăn cản anh chàng ca sĩ kia và Mỹ Kỳ đến với nhau, cứu nền nhạc rock Việt Nam.

Phim giả tưởng Việt – giấc mơ đang trở thành hiện thực? - 2

Fan cuồng có cách mở đầu khá thú vị khi dùng cỗ máy thời gian làm điểm nhấn. Việc kết hợp phim với rock cũng khiến những người yêu dòng nhạc này hứng thú, tò mò. Thêm vào đó, phim đã dựng lại được khung cảnh Sài Gòn "đậm màu” những năm 1996, thời chưa có di động, nhạc trên internet, chưa quy định đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy,..

Tuy nhiên, phần sau phim có vẻ như không được chăm chút hợp lý. Phim làm theo hướng mang yếu tố âm nhạc nhưng càng về sau, diễn biến Fan cuồng càng dần biến thành bộ phim tình cảm. Thái ngăn chặn Mỹ Kỳ với anh chàng ca sĩ kia bằng cách... chen ngang vào mối quan hệ, Fan cuồng bỗng trở thành một bộ phim tình tay ba rối ren.

49 ngày – 2015

Nếu bạn ưa thích yếu tố kinh dị kì ảo pha lẫn lãng mạn thì 49 ngày là bộ phim dành cho bạn. Nội dung phim xoay quanh anh chàng Đông vừa thất tình, đang gặp nhiều biến cố. Đông quyết định tự tử nhưng không thành công và bị 3 con ma là U sầu, Hớn hở và Điệu đà ám quẻ. Cách duy nhất để oan hồn không theo ám mình là phải thực hiện được di nguyện mà vong linh đó còn khúc mắc ở trần gian.

Phim giả tưởng Việt – giấc mơ đang trở thành hiện thực? - 3

Phần đầu phim có tiết tấu hơi nhanh khi chỉ nói lướt qua thân thế, tiểu sử của Đông và dẫn ngay vào phần anh chàng tự tử. Bởi vậy khi mới xem, khán giả sẽ khó nắm bắt về nội dung. Nhưng dần vào phim, người xem sẽ hiểu rõ nhân vật chính này hơn. Cách dẫn dắt của phim có phần giống Mật mã gốc (Source Code), đặc biệt là chi tiết cứu rỗi. Tuy nhiên, khác với cái kết đầy tiếc nuối của Mật mã gốc, 49 ngày có cái kết đẹp cho anh chàng luôn nghĩ bản thân chỉ là kẻ thất bại trong xã hội.

Đáng tiếc là 49 ngày còn mắc một số lỗi cơ bản như ma nhưng lại có bóng, ma không nhập hồn vào xác nhưng vẫn ôm ấp được... Bù lại, điểm cộng của bộ phim là khung cảnh Đà Lạt nên thơ. Âm thanh và kĩ xảo của phim dù không quá xuất sắc nhưng rất phù hợp với diễn biến nội tâm của từng nhân vật.

Tổng đài hạnh phúc - 2020

Mới đây nhất, ngày 31-8, VTV2 ra mắt tập đầu tiên của series phim Tổng đài hạnh phúc. Phim dự kiến dài 40 tập, được phát sóng vào lúc 20h15 phút các ngày thứ hai và thứ ba hàng tuần, trong khung giờ phim Gia đình 4.0 trên kênh VTV2.

Nội dung phim xoay quanh một tổng đài không có số. Người điều hành là Kim Tử, một nhân vật có siêu năng lực, có thể nghe thấu mọi nỗi đau khổ của thế gian và có thể dịch chuyển xuyên không gian. Mỗi khi có  người tuyệt vọng và muốn tự sát để sám hối cho những lỗi lầm mình đã gây ra, họ được kết nối với Tổng đài hạnh phúc, và khi đó, Kim Tử sẽ gửi một món quà. Đó là một đồ vật quan trọng với họ, có thể giúp họ nhìn thấy quá khứ hoặc tương lai, nhen lên trong lòng họ khát khao sống tiếp để sửa chữa và chịu trách nhiệm về những điều mình gây ra.

Phim giả tưởng Việt – giấc mơ đang trở thành hiện thực? - 4

Ngay trong những tập đầu tiên, khán giả có thể thấy thú vị với việc Long không thể tự thoát ra khỏi văn phòng của Tổng đài hạnh phúc. Anh chỉ có thể ra ngoài khi có cuộc gọi đến từ những người sắp tự sát. Khi đó, Kim Tử có thể đưa Long đến gần vị trí của nạn nhân, để anh giúp họ.

Tuy nhiên, sự đan xen của nhiều tuyến câu chuyện, thực tại và quá khứ đôi khi khiến khán giả cảm thấy mạch phim hơi rời rạc và khó hiểu trong tập đầu tiên. 

Ngoài ra, có những điểm khiến người xem cảm thấy khá mâu thuẫn. Vì sao Kim Tử có năng lực nhìn thấy mọi người, vung tay có thể làm mọi thứ nhưng vẫn phải dùng điện thoại bàn và tai nghe? Thêm vào đó, bối cảnh của Kim Tử và Long được nhắc đến ở đầu phim khá nhanh khiến người xem không thực sự hiểu rõ về hai nhân vật này. Chưa rõ đây là “hạt sạn” trong phim hay ẩn ý của nhà sản xuất, “để dành” cho những tập sau.

Khi nghĩ đến Long và Kim Tử, nhiều người có thể liên tưởng đến mô típ phim Khách sạn ánh trăng (Hotel Del Luna), khi nữ chính cũng có khả năng đặc biệt và nam chính là đối tượng bị nữ chính buộc ở bên mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhân vật Huyền – người tạo ra ấn tượng rất mạnh với Long, có thể sẽ đẩy mạch phim theo chiều hướng khác.

Và, khác với bộ phim Hàn Quốc, Tổng đài hạnh phúc cứu rỗi những người còn sống có ý định tìm cái chết, trong khi Hotel Del Luna cứu rỗi những linh hồn đã chết còn vương vấn dương gian.

Còn quá sớm để nhận xét về phim Tổng đài hạnh phúc, nhưng rõ ràng đây là một bước chân tiếp theo trên con đường khẳng định vị thế của dòng phim giả tưởng Việt Nam trong lòng khán giả.

Theo NGỌC VÂN (VTC News)

 

Liên kết hữu ích