Phim hoạt hình Mỵ Châu, Trọng Thuỷ.
Tuy nhiên, nếu như việc sản xuất, phát hành phim hoạt hình trên thế giới đến nay đã có những bước tiến dài cả về số lượng lẫn chất lượng thì ở Việt Nam, thể loại phim này chưa thật sự đáp ứng được tiềm năng phát triển cũng như kỳ vọng của công chúng. Ðiều đó đã và đang đặt ra yêu cầu đổi mới với các nhà làm phim hoạt hình nhằm đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.
Tháng 6 này, các khán giả nhỏ tuổi cũng như những ai quan tâm đến thể loại phim hoạt hình trong nước sẽ có thể hết sức hào hứng vì được thưởng thức tuần lễ phim hoạt hình Việt trên ứng dụng VTVGo - một ứng dụng xem phim trực tuyến của Ðài Truyền hình Việt Nam. 50 bộ phim với nhiều chủ đề khác nhau từ giả tưởng đến lịch sử, rồi cổ tích, truyền thuyết,… của Hãng phim hoạt hình Việt Nam được lần lượt phát sóng online.
Ðây cũng là dịp để chúng ta có cái nhìn tổng quát về phim hoạt hình Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng nhiều năm qua, các nghệ sĩ cũng như các đơn vị sản xuất đã dày công sáng tạo nhiều bộ phim hoạt hình nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần ngày càng đa dạng của công chúng, nhất là khán giả nhỏ tuổi. Các bộ phim "Mỵ Châu - Trọng Thủy", "Quái vật rừng xanh", "Bí mật của những đứa trẻ", "Chiếc xe đạp bay", "Truyền thuyết gươm thần", "Bí mật của khu vườn", "Sự tích cốm làng Vòng", "Người anh hùng áo vải", "Hiệp sĩ cờ lau", "Vương quốc bánh kẹo",… đã ít nhiều để lại dấu ấn trong ký ức nhiều thế hệ công chúng.
Dẫu vậy, không phải bộ phim nào cũng thật sự chất lượng, nhiều phim còn khá mờ nhạt, chưa đủ sức cuốn hút, hấp dẫn người xem. Tình trạng đó cần xem xét trong bối cảnh hằng năm, rất nhiều bộ phim hoạt hình "bom tấn" do các hãng phim hoạt hình lớn của thế giới sản xuất và phát hành trên nhiều kênh khác nhau, cho nên đã đẩy tới tình trạng trẻ em say mê phim hoạt hình ngoại, bỏ rơi phim hoạt hình nội. Thực tế đáng lo ngại đó đang đòi hỏi các nhà làm phim trong nước hoặc là chấp nhận thực tế, hoặc là phải vượt lên giành lấy khán giả.
Lâu nay, các hạn chế của phim hoạt hình Việt Nam vẫn là những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", song không thể không nói. Ðầu tiên là sự cũ kỹ, mà lẽ ra theo nhu cầu của khán giả nhỏ tuổi thì luôn luôn phải làm cho tươi mới, và bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật sản xuất phim nói chung.
Dù đã bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 nhưng về cơ bản, phim hoạt hình Việt vẫn như "mắc kẹt" trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung như ở thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Nỗ lực đổi mới thể loại chưa thật sự có tính bứt phá để cho ra đời thành quả tương xứng. Kịch bản nhiều bộ phim vẫn theo lối mòn, hình ảnh thiếu tính sáng tạo, nhân vật loanh quanh với câu chuyện cổ tích, sự tích,… đã quá quen thuộc.
Chưa kể phần lớn bối cảnh vẫn quanh quẩn với làng quê, cây đa bến nước,… nhiều khi không còn phù hợp nhận thức của trẻ em hôm nay, nhất là trẻ em sống ở đô thị.
Nhân vật hoạt hình cũng thiếu đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu, quá nhiều thoại, kể lể nhiều hơn là phát huy trí tưởng tượng và khơi gợi cảm xúc của người xem. Nhiều phim hoạt hình thuộc thể loại giả tưởng còn khiên cưỡng, nặng về lý tính, lồng ghép bài học giáo dục một cách giáo điều khiến khán giả nhí không mấy hào hứng.
Trong khi đó, nhìn ra thế giới, không khó tiếp xúc với phim hoạt hình dài 60 đến 90 phút nhưng rất kiệm lời, kiệm thoại, chú trọng kể chuyện bằng hình ảnh, chuyển động của nhân vật. Một trong những ưu thế của điện ảnh nói chung và thể loại hoạt hình nói riêng là sử dụng hình ảnh, chinh phục khán giả bằng thị giác vẫn chưa được các nhà làm phim trong nước tận dụng hiệu quả.
Và dường như, có thể vì quá xem trọng mục tiêu giáo dục trẻ em, còn coi nhẹ tính giải trí, cho nên phim hoạt hình Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ làm sao cho dễ hiểu, mà thiếu đi sự sâu sắc, kỳ bí, hấp dẫn vốn là đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh nói chung?
Ðến nay, phần lớn phim hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ có độ dài 10-15 phút, hãn hữu mới có phim dài 30 phút. Trong thời gian dài, chỉ có một đơn vị duy nhất là Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm sản xuất từ 10 đến 15 phim do Nhà nước đặt hàng.
Các năm gần đây, trong xu thế xã hội hóa điện ảnh, một số đơn vị làm phim tư nhân và một số nhà làm phim độc lập cũng đã tham gia vào việc sản xuất phim hoạt hình, nhưng mới chỉ là các bước thăm dò bằng cách sản xuất phim hoạt hình ngắn, chủ yếu chiếu miễn phí trên mạng, thiếu những dự án dài hơi.
Con số từ CGV - đơn vị phát hành phim có thị phần lớn nhất ở Việt Nam, cho thấy trong hơn 10 năm qua, doanh thu phim hoạt hình chiếu rạp đã tăng từ 2% đến xấp xỉ 15% tổng doanh thu chiếu rạp mỗi năm. Các tác phẩm phim hoạt hình ăn khách trên thế giới như "Kungfu Panda", "Nữ hoàng băng giá", "Học viện siêu anh hùng", "Bí kíp luyện rồng", "Batman", "Kubo và sứ mệnh Samurai", "Người nhện", "Câu chuyện đồ chơi",… đều tạo nên những "cơn sốt" phòng vé vào thời điểm phát hành tại Việt Nam.
Từ năm 2010 đến nay, hằng năm đều có phim hoạt hình được xếp loại Tốp 10 phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất tại Việt Nam. Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất về phim hoạt hình ở Ðông - Nam Á, từng được Hollywood ưu ái phát hành phim hoạt hình "Kungfu Panda 3" trước cả thị trường Mỹ 10 ngày. Ðiều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức phim hoạt hình của khán giả nước ta là rất lớn.
Thị trường phim hoạt hình hiện được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị khai thác, phát hành phim. Trong sự sôi động ấy, tiếc thay, lại thiếu vắng đóng góp của phim hoạt hình Việt, bởi chưa có một phim hoạt hình trong nước nào đủ điều kiện để chiếu rạp. Chưa cần đề cập đến các yếu tố như công nghệ, tính hấp dẫn của câu chuyện, chỉ riêng điều kiện là phim phải có độ dài tối thiểu 60 phút, chúng ta cũng chưa đáp ứng được. Không thể không suy nghĩ khi chứng kiến cảnh hằng ngày trẻ em của chúng ta bật các kênh truyền hình nước ngoài dành cho thiếu nhi như Cartoon Network, Disney và cả các kênh trong nước như Kid TV, Bibi, HTV3 Dream TV,… chỉ để xem phim hoạt hình nước ngoài là chính, trong khi phim hoạt hình gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" (made in Vietnam) lại hầu như rất hiếm hoi.
Thực tế này đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng điện ảnh Việt chưa đánh giá hết giá trị và tầm quan trọng của phim hoạt hình trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, cũng như trong thị trường chiếu phim vốn đang phát triển mạnh mẽ? Từ khía cạnh quản lý văn hóa, phải chăng đang thiếu một chiến lược cần thiết để đầu tư, tạo cơ hội cho phim hoạt hình khởi sắc, giống như phim truyện đã làm được trong các năm vừa qua? Chưa kể, với việc đầu tư nhỏ giọt, nguồn kinh phí hạn chế, cách làm theo một lối mòn cả về kịch bản, thời lượng, yêu cầu nội dung như đã nói ở trên, phim hoạt hình Việt rất khó để cạnh tranh trên thị trường.
Ðể trả lời các câu hỏi này, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ. Trên thực tế, từ lâu trên thế giới đã không còn quan niệm phim hoạt hình là chỉ dành cho trẻ nhỏ. Phim hoạt hình cũng giống như mọi sản phẩm nghệ thuật khác, nếu là tác phẩm hay thì có thể tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của mọi lứa tuổi. Việc nắm bắt được nhu cầu khán giả, dự đoán xu hướng,… sẽ giúp các nhà quản lý và chính các nhà làm phim thay đổi tư duy sáng tạo, bắt kịp các xu thế mới về sản xuất phim hoạt hình của thế giới.
Và để có bước đi dài hơi, phim hoạt hình Việt cũng rất cần bắt đầu từ chiến lược con người. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực làm phim hoạt hình đang là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, trong đó đội ngũ biên kịch cần phải được quan tâm hàng đầu. Phim hoạt hình Việt thật sự cần một sự "lột xác" về kịch bản để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở thời đại.
Ðáng mừng là mới đây, Cục Ðiện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình (90 phút) nhằm tìm kiếm kịch bản hay. Trước đó, Hãng phim hoạt hình Vintata (thuộc Tập đoàn VinGroup) mở chiến dịch săn kịch bản phim hoạt hình có tên gọi "Tìm kiếm tác giả lừng danh" với tổng giải thưởng lên tới hai tỷ đồng. Các hoạt động này cho thấy đang có những nỗ lực góp phần bù lấp lỗ hổng kịch bản đang được tiến hành, tạo dựng một tiền đề quan trọng cho chiến lược lâu dài để sản xuất phim hoạt hình.
Hiện nay kinh phí đầu tư của nhiều tác phẩm phim hoạt hình thế giới có thể lên tới hàng chục triệu USD, thậm chí hàng trăm triệu USD, không thua kém số tiền đầu tư cho phim "bom tấn" thể loại hành động. Kinh phí cho sản xuất một phim hoạt hình Việt theo đặt hàng của Nhà nước hiện nay là rất ít ỏi, cho nên phải trông đợi vào nguồn kinh phí xã hội hóa.
Vì vậy, ngoài những vấn đề đã đề cập ở trên, để góp phần tạo nên các phim hoạt hình "made in Vietnam" có chất lượng nội dung - nghệ thuật, đủ điều kiện chiếu rạp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường phim trong nước, trong khu vực và thế giới cũng rất cần đến vai trò "bà đỡ" của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách, đào tạo đến tài chính, bảo hộ phim đủ điều kiện ra rạp...
Cũng cần chú ý tới ý kiến cho rằng các kênh truyền hình từ địa phương đến trung ương nên dành một thời lượng nhất định trong khung giờ tốt để chiếu phim hoạt hình Việt, giúp nuôi dưỡng thói quen xem phim hoạt hình Việt cho khán giả. Và tất nhiên không thể không nói tới sự ủng hộ của người xem. Sự nhiệt tình đón nhận của khán giả trong nước sẽ là động lực mạnh mẽ cho các nhà làm phim, để không ngừng đổi mới, nỗ lực sáng tạo những phim hoạt hình chất lượng, góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh Việt trong khu vực và thế giới.
Theo VŨ QUỲNH (Nhân Dân)