Phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo

21/05/2019 - 07:59

 - Công tác phổ biến chính sách, pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền ở huyện An Phú quan tâm, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo.

Hiện nay, 5 xã ở huyện An Phú có đồng bào Chăm sinh sống, với 2.161 hộ (8.189 người), hầu hết sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ, làm công nhân. Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm luôn nâng cao ý thức, nhiệm vụ thực hiện tốt nội quy của Ban Quản trị Thánh đường đề ra. Đặc biệt, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Đồng bào không chỉ giữ gìn đoàn kết nội bộ, mà còn mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó với các dân tộc khác để cùng làm ăn, sinh sống, sinh hoạt tôn giáo.

“Chúng tôi được Đảng, nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, tổ chức các hoạt động lễ hội; luôn được quan tâm, thăm hỏi và tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền, tháng Ramadal…Đồng bào chúng tôi rất cảm kích khi được Đảng, nhà nước đầu tư điện - đường- trường - trạm, cụm tuyến dân cư vượt lũ và hỗ trợ đất ở, nhà ở, cho vay vốn làm ăn, sản xuất. Ban Quản trị các thánh đường Hồi giáo trên địa bàn gắn bó chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, thường xuyên phát huy khối đại đoàn kết và đề cao cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Mách Sa Lế (Giáo cả, Trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội) cho biết.

Lãnh đạo huyện An Phú biểu dương đồng bào dân tộc, tôn giáo và nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước

Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện An Phú kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan phối hợp thực hiện công tác tôn giáo, dân tộc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương, giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp pháp của các tổ chức tôn giáo. Qua đó, thực hiện tốt chính sách đối với tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là việc thực hiện phương châm “Tranh thủ chức sắc, vận động tín đồ, xây dựng cốt cán để giải quyết vấn đề tôn giáo” đã tạo được sự đồng thuận trong chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con tín đồ, dân tộc.

Theo Ban Dân vận Huyện ủy An Phú, mặc dù thực hiện đạt nhiều kết quả tốt, nhưng trong công tác tôn giáo, dân tộc vẫn còn những hạn chế. Đó là sự phối hợp của các ngành chức năng vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, đôi lúc còn bị động. Việc nắm bắt tình hình tôn giáo, dân tộc ở một số xã, thị trấn đôi lúc chưa kịp thời; đội ngũ phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Mặt khác, trong công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người Chăm khác biệt ngôn ngữ nên tiếp thu chưa đầy đủ các nội dung tuyên truyền, dẫn đến việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo còn hạn chế, nhất là trong giới trẻ.

Do đó, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện An Phú tiếp tục tăng cường phối hợp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn tăng cường gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con tín đồ, dân tộc, hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng của các tôn giáo đúng quy định. Thường xuyên tuyên truyền và phát huy tinh thần yêu nước trong đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc tham gia tích cực các phong trào tại địa phương. Nâng cao lòng tin giữa Đảng, chính quyền với các tôn giáo, dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Đồng bào dân tộc và tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước, tham gia tích cực phong trào“Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát huy dân chủ ở cơ sở. Qua đó, lòng tin đối với Đảng ngày càng được nâng lên và trong tín đồ, dân tộc ngày càng có nhiều gương điển hình “người tốt, việc tốt”, cùng nhiều mô hình hiệu quả của đồng bào các dân tộc, tôn giáo.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH