Phổ cập giáo dục ở huyện An Phú

26/04/2024 - 06:22

 - Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ ở các bậc học trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) được đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, được xem là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục, MTTQ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể ở địa phương, ký kết văn bản phối hợp tuyên truyền, vận động trẻ đến trường và duy trì sĩ số, hỗ trợ học bổng, đồ dùng học tập, hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là điều kiện thuận lợi để có trường đạt chuẩn quốc gia, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mạng lưới trường lớp được phủ khắp, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường…

Năm 2023, tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2023. Đối với cấp THCS, huyện có 12/14 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục đạt chuẩn mức độ 2; 2/14 xã, thị trấn đạt mức độ 3; huyện duy trì đạt chuẩn mức độ 2.

Khen thưởng các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

Dân số toàn huyện trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là 12.148 người (101.715 người biết chữ, chiếm tỷ lệ 83,3%; 20.433 người mù chữ, chiếm tỷ lệ 16,7%). Hiện, địa phương thực hiện xóa mù chữ mức độ 1 được 9.503 người, mức độ 2 được 20.433 người; năm 2023 huy động xóa mù chữ 3 lớp, 66 học viên. Toàn huyện có 5/14 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 9/14 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; huyện duy trì đạt chuẩn mức độ 1.

Theo Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục và xóa mù chữ huyện An Phú, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, như: Chưa có khu công nghiệp để thu hút lao động, nên người dân phải đi lao động xa. Mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống của một bộ phận người dân khó khăn, ảnh hưởng công tác huy động học sinh ra lớp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường mặc dù được Nhà nước đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ dạy và học, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Thời gian tới, huyện An Phú tập trung thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn. Đối với phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiếp tục huy động trẻ đến trường, tăng cường giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đối với công tác phổ cập giáo dục tiểu học, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, không để học sinh bỏ học. Đối với phổ cập giáo dục THCS, nâng tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS. Đối với công tác xóa mù chữ, tiếp tục nâng chất kết quả đạt chuẩn mức độ 1…

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú Võ Hoàng Lâm, ngành tiếp tục đổi mới quản lý nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, nhân rộng mô hình dạy học tích cực; nâng cao chất lượng dạy học trong giờ chính khóa; tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, tổ chức hoạt động giáo dục, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục dạy học phụ đạo trong năm học, trong hè cho học sinh yếu, kém. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý phổ cập giáo dục và xóa mù chữ để nâng cao trình độ...

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương (Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục và xóa mù chữ huyện) yêu cầu các địa phương, trường học trên địa bàn tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về công tác này; kịp thời củng cố, kiện toàn và phát huy trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở. Yêu cầu ban chỉ đạo cơ sở, xã Phú Hữu, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường rà soát, cập nhật số liệu về trình độ văn hóa, số lượng học sinh sau THCS để phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2 vào năm 2025… Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học....

HỮU HUYNH