Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá
12/06/2024 - 14:40
Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
AA
Phát biểu mở đầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những tháng đầu năm, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có nhiều biến động do tác động của nhiều yếu tố, kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, giá cả hàng hóa thiết yếu (xăng dầu, vàng) biến động mạnh, tác động tới kinh tế nước ta. Giá hàng hóa, thị trường trong nước diễn biến theo kịch bản hàng năm, đầu năm tăng cao do vào dịp Tết nguyên đán, đến tháng 3 có xu hướng giảm và giữa năm ổn định, theo đúng quy luật. Ban Chỉ đạo đã có nhiều giải pháp, với tinh thần không chủ quan, lơ là.
Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình giá cả, thị trường từ đầu năm đến nay và dự báo tình hình thời gian tới, trên cơ sở đó có giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Phó Thủ tướng nhận định, với mức tăng CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các diễn biến thị trường đúng theo quy luật thì có thể kiểm soát tốt lạm phát.
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng
Báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 5 tháng đầu năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Thông tin từ đại diện Bộ Công Thương cho thấy, Bộ luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức tốt công tác thông tin dự báo giá cả và đánh giá tình hình.
Giá xăng dầu luôn có sự biến động. Từ đầu năm đến tháng 4/2024, giá xăng dầu luôn tăng trưởng, nhưng tháng 5-6/2024 có xu hướng giảm. Giá dầu thô giảm kéo theo giá hầu hết sản phẩm xăng dầu giảm. Giá xăng R92 - là mặt hàng tiêu dùng phổ biến – hiện đã về tiệm cận với mức giá cùng kỳ năm 2023. Tác động của các mặt hàng xăng dầu lên kinh tế vĩ mô là không đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu. Với việc điều hành 7 ngày như hiện nay, mức chênh lệch giá giữa hai đợt điều chỉnh là không lớn và do vậy, các doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch nhập khẩu xăng dầu. Hiện tồn kho xăng dầu là 1,8 triệu tấn; trong quý II, III/2024, về cơ bản nguồn cung xăng dầu đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đối với mặt hàng điện, đại diện Bộ này lý giải, giá bán lẻ bình quân điều chỉnh trong năm 2023, hiện nay mức giá điện đang được áp dụng là 2.006,79 đồng/KWh. Để hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phụ thuộc vào việc kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và việc xây dựng thông tư hướng dẫn tính toán giá bán lẻ điện bình quân.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023. Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn tính toán giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 05, đã đăng website và lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến thông tư được ban hành vào tháng 8/2024. Khi hai nội dung này được hoàn chỉnh, Bộ Công Thương sẽ có căn cứ để chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân, trình Chính phủ.
Có thể gia tăng kỳ vọng lạm phát do cải cách tiền lương
Dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024, Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 sau khi đã bước đầu được thực hiện trong năm 2023, nhưng với mức độ ít, mang tính “kiềm chế”.
Cụ thể, về giá dịch vụ giáo dục, học phí năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên được tiếp tục giữ ổn định như mức thu năm học 2021-2022, do đó trong năm 2024 cơ bản không tác động tới CPI chung. Với khối giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 9/2024, học phí năm học 2024-2025 áp dụng theo mức trần tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP (so với năm học trước, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%). Mặc dù mức trần học phí điều chỉnh tăng, nhưng mức tác động đến CPI thực tế phụ thuộc vào mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định.
Việc điều chỉnh giá điện theo kiến nghị từ đầu năm của Bộ Công Thương để bảo đảm phản ánh biến động của các chi phí đầu vào của giá điện, đồng thời hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không trong thời gian tới dự báo có thể tăng hơn so với thời điểm trước theo xu hướng chung của giá vé máy bay thế giới do tình trạng thiếu hụt tàu bay, chi phí nhiên liệu tàu bay tăng, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay...
Bên cạnh đó, giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như năng lượng, vật liệu xây dựng… dự báo có biến động, gây áp lực lên lạm phát. Thực hiện cải cách tiền lương của khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW và tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2024 có thể làm gia tăng kỳ vọng lạm phát kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên.
Yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá được Thứ trưởng Bộ Tài chính điểm ra là lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024, có thể giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ công tác kiểm soát lạm phát năm 2024. Sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, chủ động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dự kiến giảm thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ... góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.
Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: