Phòng, chống dịch cúm mùa

18/02/2025 - 07:14

 - Hiện, dịch cúm mùa tại Việt Nam gia tăng, với sự xuất hiện của các chủng cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B, không có chủng bất thường. Nhiều người nhập viện với triệu chứng nặng hơn thông thường, đặc biệt ở nhóm trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền.

BS.CKII Phạm Quang Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh phát hiện 44 ca cúm ở huyện An Phú (21 ca), Thoại Sơn (13 ca), Tri Tôn (3 ca), TX. Tân Châu (7 ca). Trung tâm phối hợp cơ sở khám, chữa bệnh, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường thông tin để người dân chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

“Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, tôi thấy khá nhiều người thân xung quanh bị bệnh cảm, ho kéo dài… Có gia đình tất cả thành viên đều bệnh, hầu hết tự mua thuốc uống. Vì vậy, mỗi khi đến chỗ đông người, tôi đều đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch để phòng bệnh cho gia đình” - chị Tuyết Giang (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

PGS.TS.BS Trần Quang Hiền (Giám đốc Sở Y tế) đã chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch cúm mùa trên địa bàn. Theo đó, để phòng, chống dịch cúm, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác phải đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người; phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân; phòng, chống virus gây viêm phổi trên người (human metapneumovirus - hMPV).

BS. Trần Quang Hiền cho biết: “Thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Sở Y tế đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh theo dõi sát tình hình dịch bệnh, lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng, cung ứng kịp thời. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc”.

Sở Y tế cũng lưu ý cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn báo cáo ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus cúm về trạm y tế, trung tâm y tế, để triển khai biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Cúm mùa là bệnh nguy hiểm, bệnh cúm nhẹ có thể phát triển thành nặng và phức tạp hơn, gây biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, nhưng không phải ai cũng bị ảnh hưởng ở mức độ giống nhau. Người lớn khỏe mạnh thông thường sẽ hồi phục tốt nếu được điều trị kịp thời. Ở trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu mắc cúm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa, người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, hoặc khăn giấy dùng 1 lần, ống tay áo) để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là sau khi ho, hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Lưu ý, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn khám, xử trí kịp thời.

Theo Bộ Y tế, hiện tại, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số 8 bệnh nhân đang phải đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).

HẠNH CHÂU