Phòng, chống đuối nước ở trẻ em

17/04/2024 - 06:18

 - Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, đã có nhiều mô hình và cách làm hay được triển khai trên toàn tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự quan tâm của người lớn đối với trẻ nhỏ, đồng thời trang bị cho các em kỹ năng cơ bản về bơi lội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang cho biết, đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 trẻ em bị đuối nước, tại huyện Tri Tôn 1 trường hợp, TX. Tịnh Biên 2 trường hợp và TX. Tân Châu 1 trường hợp. Nguyên nhân hầu hết các vụ đuối nước xảy ra do người chăm sóc lơ là, trẻ em không biết bơi. Điển hình vụ đuối nước mới xảy ra tại huyện Tri Tôn ngày 4/4, em C.P.L (sinh năm 2013) đến khu vực hồ Ô Thôm (ấp Phước Bình, xã Ô Lâm) để tắm thì bị đuối nước. Hiện nay, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao ý thức, cảnh giác của phụ huynh và trẻ em.

Đặc biệt, từ tháng 3/2024, nhiều địa phương phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Theo đó, học sinh, phụ huynh được truyền thông về phòng, chống đuối nước và vận động người thân tham gia tập luyện. Gắn với các đợt phát động, các em nhỏ được tham gia lớp dạy bơi trong nhà trường, hồ bơi trong xã, hướng dẫn kỹ năng nhằm hạn chế tỷ lệ thương vong do đuối nước xảy ra.

Lớp phổ cập bơi cho trẻ em được tổ chức ở trường học và trung tâm xã, phường, thị trấn

Tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), mỗi khóa học diễn ra trong 10 ngày dành riêng cho trẻ em chưa biết bơi. Ông Nguyễn Văn Hùng có cháu ngoại đang học lớp 3 bày tỏ rất đồng tình khi cho cháu đến lớp học bơi. “Ở nhà, người lớn tập bơi cho cháu nhưng không được, vì cháu nhát nước. Bây giờ, dạy bơi ở sông rạch tôi cũng hồi hộp, chỗ nước sâu thì nguy hiểm, chỗ nước cạn quá chỉ toàn rác, mảnh thủy tinh, vật nhọn… Vô trường học có bạn bè, giáo viên chỉ dạy bài bản, qua 2 ngày, tôi thấy cháu mạnh dạn hơn. Ở vùng sông nước, trẻ em phải biết bơi thì người lớn mới an tâm phần nào” - ông Hùng chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Đào Sĩ Tuấn, hiện nay, thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, học sinh, thiếu niên ham thích vui chơi, thường tìm đến các ao, hồ, sông, rạch để tắm. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro dẫn đến tình trạng đuối nước. Để tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và học sinh, giảm thiểu những sự cố rủi ro, đáng tiếc có thể xảy ra, sở đã gửi công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành, địa phương, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân, nhất là những hộ sinh sống dọc bờ kênh, sông, rạch, ao, hồ nâng cao ý thức về phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, các gia đình cần thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, chủ động đưa trẻ học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước.

Các ngành, địa phương tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn, nhất là khu vực hố nước, ao, hồ, sông, kênh, rạch, các khu vực nước sâu, hệ thống thoát nước, đập tràn nguy hiểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, các công trình cải tạo, công trường xây dựng đang thi công có nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước. Từ đó, có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em (làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới).

Cùng với đó, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 493/KH-UBND của UBND tỉnh về việc phổ cập bơi, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, nhất là triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi cho trẻ em và học sinh các cấp học. Các ngành liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ em; đẩy mạnh việc dạy bơi, dạy kỹ năng sống, ý thức tự phòng tránh, không để xảy ra tình trạng đuối nước khi đi chơi, nhất là tình trạng tắm sông, rạch, ao, hồ tập thể.

Đồng thời, hướng dẫn cho trẻ em, học sinh các phương pháp cứu đuối, sơ, cấp cứu người bị tai nạn đuối nước. Các cơ quan chức năng kiểm tra các quy định về công tác cứu hộ, cứu nạn tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước trên địa bàn và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Ngoài các hồ bơi được đầu tư ở xã, phường, thị trấn, các trường học, hồ bơi của cơ sở tư nhân và trung tâm thể thao của các huyện, cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã tổ chức đến bàn giao, trao tặng hồ bơi di động ở 10 địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể: Phước Hưng (huyện An Phú), An Hảo (TX. Tịnh Biên), Ô Lâm (huyện Tri Tôn), Tây Phú (huyện Thoại Sơn), Tân Phú (huyện Châu Thành), Bình Long (huyện Châu Phú), Phú Thành (huyện Phú Tân), Phú Lộc (TX. Tân Châu), Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc) và Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang (TP. Long Xuyên).

Đây là những địa bàn có nguy cơ cao về tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Mỗi nơi được hỗ trợ 1 hồ bơi di động trị giá 50 triệu đồng, kích thước 6,6m x 9,6m x 1,3m (ngang - dài - cao). Nguồn kinh phí do UBND tỉnh An Giang hỗ trợ, góp phần trong công tác dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

MỸ HẠNH