Phòng, chống xâm hại và ma túy trong học đường ở Phú Tân

29/05/2024 - 06:34

 - Nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật cần thiết về phòng, chống các tội phạm xâm hại tình dục và ma túy cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), Tòa án nhân dân huyện tổ chức tuyên truyền tại các trường THCS với nội dung và hình thức đa dạng. Qua đó, hướng đến mục tiêu đảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh để học sinh được rèn luyện, học tập và phát triển toàn diện.

Tại mỗi điểm trường có khoảng 100 học sinh tham dự, các đơn vị phối hợp xây dựng nội dung sinh động. Học sinh được nghe cán bộ Tòa án nhân dân huyện thông tin, tuyên truyền bằng video clip về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại tình dục, chất ma túy tổng hợp hiện nay. Cán bộ tuyên truyền nhấn mạnh những hậu quả khi trẻ bị xâm hại; tác hại của ma túy; cách nhận biết, phân loại ma túy, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm do ma túy gây ra…

Đặc biệt, học sinh được hướng dẫn những kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục; hướng dẫn những kiến thức cơ bản về phân biệt các loại ma túy phổ biến, biểu hiện thường gặp đối với người nghiện ma túy và các thủ đoạn của tội phạm ma túy. Từ đó, giúp học sinh có hiểu biết và chủ động bảo vệ bản thân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho gia đình, xã hội về hiểm họa và tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, tinh thần, nhân cách của con người.

Tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống xâm hại và ma túy ở trường học

Theo thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Phú Tân Lý Thị Rỡ, trong thực tế cũng như quá trình giải quyết các vụ án, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em diễn biến rất phức tạp, gây phẫn nộ và hoang mang trong người dân. Các thủ đoạn của kẻ xâm hại tinh vi, tác động nặng nề đến thể chất, tinh thần của các em. Đối với tội phạm ma túy, hiện nay, có thể biến tướng thành những hình thức đa dạng qua thực phẩm, như: Bánh, kẹo, trà sữa, khô gà… len lỏi vào các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và đời sống của trẻ em.

Do đó, việc tuyên truyền để phòng, chống xâm hại tình dục và ma túy trong trường học là vấn đề rất cấp thiết, ngoài lợi ích trước mắt bảo vệ các em an toàn còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Trước nhất, học sinh được tuyên truyền để nhận biết như thế nào là xâm hại tình dục, từ đó nhận diện nguy cơ và có cách phòng chống. Bên cạnh đó, các em cần hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, nhận dạng các loại ma túy phổ biến…

Em Trần Thị Như Ý (lớp 7A4, Trường THCS Hòa Lạc) chia sẻ: “Vấn nạn xâm hại tình dục và ma túy ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của nạn nhân và cả gia đình, xã hội. Thông qua buổi tuyên truyền bằng video clip, dẫn chứng thực tế câu chuyện của các bạn đồng lứa… giúp cho em có thêm nhiều bài học quý”.

Như Ý cho biết, thực trạng đáng lo trên cũng đang xuất hiện nơi em sinh sống. Vì vậy, bản thân cần phải tìm hiểu sâu thêm về những kỹ năng bảo vệ bản thân và có thể chỉ dẫn cho bạn bè cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân của các loại tội phạm. Mỗi học sinh là “tuyên truyền viên” tác động bạn bè, người thân để nhân lên ý thức cảnh giác, kiến thức nhận diện và chung tay bảo vệ an toàn cho trẻ vị thành niên.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Lạc Đỗ Văn Thiệt cho hay, thời gian qua, nhà trường rất quan tâm, chỉ đạo và tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh hiểu, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về hậu quả của xâm hại tình dục và ma túy.

 “Ngoài chương trình phát thanh măng non trong trường, nội dung trên còn được lồng ghép vào tiết ngoại khóa, sinh hoạt Đội; mời cán bộ Tòa án nhân dân huyện và cán bộ trẻ em đến trường tuyên truyền trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Việc này rất cần thiết cho học sinh tiếp cận các thông tin, vấn đề xã hội đang quan tâm. Bởi hiện nay, một bộ phận giới trẻ chuộng “sống ảo”, đặc biệt thiếu sân chơi, thiếu điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế và kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân” - thầy Đỗ Văn Thiệt cho biết.

Độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, đặc tính của lứa tuổi là thích khám phá, trải nghiệm, nhưng nhận thức còn hạn chế, nhiều em dễ bị lôi kéo, rủ rê... Trong khi đó, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt vẫn diễn biến phức tạp.

Ở lứa tuổi này, các em cần được sự quan tâm đặc biệt của gia đình và nhà trường. Yếu tố then chốt tạo nên sự thành công các vấn nạn chính là phát hiện sớm, giáo dục ý thức, sự hiểu biết về tác hại của ma túy, xâm hại tình dục cho học sinh. Bên cạnh đó, trường học cần tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục - thể thao thu hút học sinh tham gia kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho các em.

MỸ HẠNH