Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người

13/10/2023 - 06:53

 - Tỉnh An Giang có đường biên giới dài 98,2km tiếp giáp với 6 huyện thuộc tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) nên tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp. Thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cho người dân khu vực biên giới

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng ngừa và đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Thời gian qua, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các buổi họp dân. Từ năm 2005 đến 2023, đã tổ chức 2.989 cuộc tuyên truyền, với trên 163.000 lượt người tham dự, phát hơn 119.000 phiếu tố giác tội phạm, 9.126 tờ rơi... Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về tội phạm mua bán người, đề cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống tội phạm.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu tổ chức 8 hội thi, 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người. Tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả về đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) và phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, như: “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Tổ phụ nữ không qua lại biên giới, tham gia giữ gìn ANTT biên giới”… Hiện tại, mỗi xã, phường, thị trấn đều được hỗ trợ thành lập 1 điểm cung cấp thông tin, có cán bộ trực, trang bị bàn ghế, sách, báo, máy vi tính có nối mạng Internet để phục vụ miễn phí. Qua đó, giúp người dân có điều kiện tiếp cận nhanh chóng, kịp thời các thông tin pháp luật về mua bán người.

Từng địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ ANTT, phát hiện tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để bán ra nước ngoài. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về tình hình tội phạm nói chung và phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em có ý thức phòng ngừa.

Kiên quyết đấu tranh

Xác định tính chất phức tạp của loại tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp các địa phương có liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm này. Đặc biệt, chỉ đạo phối hợp tốt với lực lượng cảnh sát Campuchia trong điều tra, xử lý tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhất là việc giải cứu, tiếp nhận các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Campuchia trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Tỉnh An Giang có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, bến đò qua lại thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép hoặc mua bán người qua biên giới. Điển hình, ngày 18/8/2022, tại ấp Tân Khánh (thị trấn Long Bình, huyện An Phú) xảy ra vụ 42 người từ phía Campuchia nhảy rạch Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam, do bị các casino phía Campuchia cưỡng bức lao động. Qua sự việc trên, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” đối với Nguyễn Thị Lệ cùng đồng phạm.

Thời gian qua, tình trạng phụ nữ xuất cảnh sang Campuchia tìm việc làm tại các casino và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm khác ở khu vực biên giới diễn ra khá phức tạp... dẫn đến có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục...). Thông qua mạng xã hội, các đối tượng mua bán người hứa hẹn với nạn nhân sẽ lo cho họ được “công việc nhẹ, lương cao” cùng chỗ ở tại Campuchia. Khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu các giấy tờ cá nhân, bị bán cho các công ty khác nhau và bị buộc làm việc, cưỡng bức lao động cho các công ty chuyên lừa đảo qua điện thoại hoặc mạng trực tuyến. Từ năm 2005 đến nay, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tiếp nhận 45 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người, đã giải quyết 45 tin, khởi tố 12 vụ, 23 bị can về tội “Mua bán người”…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy, đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới nói riêng. Trong đó, chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế với Campuchia về phòng, chống mua bán người.

Tích cực phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các quy định pháp luật, chính sách có liên quan về mua bán người, những phương thức, thủ đoạn của đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người với nhiều nội dung, hình thức nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân. Tổ chức, phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia tố giác, phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới…

MINH THƯ