Phụ huynh cần lưu ý, chuẩn bị gì cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19

17/12/2021 - 08:59

 - Hỏi: Hiện, An Giang đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Vậy, phụ huynh cần lưu ý, chuẩn bị gì cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm?

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại TP. Long Xuyên

Sở Y tế An Giang trả lời:

1. Trước khi tiêm 

- Tìm hiểu về vaccine tiêm cho trẻ. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 loại vaccine tiêm cho trẻ là Moderna và Pfizer. Trong đó, Vaccine Comirnaty Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi có liều lượng 10 microgram, bằng 1/3 liều lượng vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên (30 microgram). Quy trình tiêm chủng gồm hai liều, mỗi liều cách nhau khoảng 3 tuần.

Trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, các bậc phụ huynh nên nói chuyện với trẻ, bảo trẻ đừng lo sợ gì cả, rằng việc tiêm vaccine sẽ giúp trẻ không mắc bệnh, sớm được trở lại trường học, được đi học, gặp lại bạn bè, thầy cô.

- Cho trẻ ăn, uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý.

- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Xếp hàng theo hướng dẫn của điểm tiêm chủng, đảm bảo khoảng cách theo quy định. Không nói chuyện hay tiếp xúc với người khác.

- Khi đến bàn khám sàng lọc, phụ huynh cần nói với bác sĩ khám sàng lọc tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine (nếu có), bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi…  của trẻ để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phù hợp.

- Ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này) trước khi tiến hành tiêm.

2. Trong khi tiêm 

- Tuân thủ các quy định phòng, chống dịch trong suốt quá trình tiêm chủng.

- Phụ huynh cần thường xuyên động viên, trấn an trẻ.

3. Sau khi tiêm 

- Phụ huynh cần chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế các thông tin về loại vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho trẻ và lịch tiêm mũi tiếp theo. Các dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi tiêm chủng và cách xử lý. Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

- Khi về nhà phải chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 3-4 tuần sau khi tiêm. Các dấu hiệu đó là:

+ Các dấu hiệu nghiêm trọng: Ở miệng: Tê quanh môi và lưỡi; ở da: Phát ban, nổi mẫn đỏ hoặc tím tái da; ở họng: Ngứa, căng cứng tắt nghẹn; ở đường tiêu hóa: Tiêu chảy, đau bụng; đường hô hấp: Thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở; toàn thân: Mạch yếu, chóng mặt, choáng váng/xây xẩm, cảm gíac muốn ngã, tay, chân co quắp.

+ Dấu hiệu thông thường diến biến nặng thêm: Sốt cao trên 39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹp huyết ấp.

Nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc diến biến nặng thêm thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

H.C