Phụ nữ Châu Phú giúp nhau phát triển kinh tế

08/03/2018 - 05:24

 - Xác định công tác hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Phú tích cực vận động, hỗ trợ chị em hội viên, PN tham gia lao động, sản xuất - kinh doanh phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có nhiều hội viên, PN thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Trần Thị Kim Bình chia sẻ: “Nhận thức rõ yêu cầu từ thực tiễn địa phương, các cấp hội PN trong toàn huyện đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,  trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình mới, thiết thực, sát với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các chị em hội viên, PN. Trong đó, hoạt động hỗ trợ vốn cho các hội viên, PN nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế được các cấp hội chú trọng thực hiện”.

Tính riêng năm 2017, đã có 67 chị được hỗ trợ vay vốn từ nguồn “Tiết kiệm 5.000 đồng/tháng” để thực hiện kinh doanh nhỏ. Từ nguồn quỹ “Giúp PN nghèo”, Hội LHPN huyện đã phát vay cho 89 hội viên các địa phương như: Khánh Hòa, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Mỹ, Bình Long, Ô Long Vĩ và thị trấn Cái Dầu, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp còn phối hợp các ngân hàng giải ngân cho hàng trăm hội viên, PN nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Công tác tuyên truyền luôn được các cấp hội quan tâm thực hiện

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, cùng với sự quyết tâm, tự tìm hướng đi thích hợp phát triển kinh tế, nhiều hội viên PN vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. Chị Trần Thị Kim Thương (ấp Long Thịnh, xã Ô Long Vĩ) là một trong những điển hình. Năm 2016, chị Thương tham gia học lớp nghề may công nghiệp ngắn hạn do Hội LHPN xã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức. Sau khi khóa học kết thúc, chị Thương nhận may gia công sản phẩm cặp da tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Khi tay nghề thuần thục, chị quyết định mua nguyên liệu tự may sản phẩm cặp da hoàn chỉnh bán ra thị trường.

Chị Thương chia sẻ: “Ban đầu với nguồn vốn ít ỏi, tôi chỉ may được một số sản phẩm mẫu mã đơn giản, chủ yếu bán cho bà con trong vùng. Sau khi được Hội LHPN xã giới thiệu vay 30 triệu đồng tôi bắt tay ngay vào việc mua thêm nguyên liệu để đa dạng mẫu mã cho sản phẩm cặp da”. Đến nay, chị Thương thu được lợi nhuận bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng, đời sống ổn định và đang có hướng mở rộng sản xuất.

Hàng năm, Hội LHPN huyện Châu Phú luôn khuyến khích các hội viên, PN phát triển thêm các mô hình tiết kiệm để có nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, nhờ thấy được hiệu quả thiết thực từ các mô hình nên nhiều chị em PN đã nhiệt tình tham gia.

Cụ thể, trong năm 2017, đã thành lập thêm 22 tổ “Tiết kiệm 5.000 đồng/tháng”, 11 tổ “Hùn vốn xoay vòng”, 3 tổ “Ống heo tiết kiệm”, 2 tổ “Quỹ tương trợ giúp PN nghèo”, bên cạnh đó, còn thành lập các tổ: “May gia công”, “May công nghiệp”, “PN làm thuê trong nông nghiệp”… để tạo việc làm cho các hội viên, PN.

Trong năm, Hội LHPN các cấp cũng đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp dạy nghề may công nghiệp, làm hoa vải, chăn nuôi, làm vườn… với hàng trăm lượt chị em PN tham gia, qua đó, đã có 273 chị có việc làm tại nhà và 618 chị làm việc tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

“Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội trong việc tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của chị em PN. Đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện để các hội viên, PN tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển của địa phương” - Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Trần Thị Kim Bình cho biết.

MỸ  LINH