Hỗ trợ hội viên
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Thị Diễm cho biết, với địa bàn nông thôn, kinh tế của HV chủ yếu gắn liền với việc làm nông hoặc buôn bán nhỏ. Điều mà hầu như các chị, em cần nhất vẫn là nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, mở rộng mô hình sản xuất. Từ nhu cầu thực tế của HV, Hội LHPN xã đã chủ động tìm hiểu các nguồn vốn vay với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ chị, em trong việc tiếp cận và làm các thủ tục để vay vốn...
“Đó là chưa kể 14 tổ tương trợ tiết kiệm được thành lập ở 9 ấp, với hình thức trợ vốn không lãi suất cho các HV có nhu cầu để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay này, tuy số tiền không nhiều nhưng đã giúp HV vượt qua những lúc khó khăn, mua sắm vật dụng cần thiết, đóng tiền học phí cho con em...”- chị Diễm cho hay.
Tận dụng thời gian nhàn rỗi tại nhà, chị em phụ nữ vẫn kiếm được thu nhập hàng ngày
Nhờ Hội LHPN xã giới thiệu, 2 thành viên trong Tổ trồng xoài Cát Chu ở ấp Mỹ An 1 được tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Long Xuyên. Qua đó, có thêm chi phí đầu tư ban đầu, như: làm đất, cây giống, phân bón... tạo thu nhập trên chính mảnh đất của mình.
Với gia đình chị Huỳnh Thị Kim Chứa (ngụ ấp Mỹ An 2), là hộ cận nghèo ở địa phương, vừa được Hội LHPN xã giới thiệu vay vốn với số tiền 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Long Xuyên để phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.
Hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, không có đất canh tác, vợ, chồng chị Chức phải cố gắng làm việc, từ buôn bán thức ăn vào buổi sáng, tranh thủ thời gian rảnh đi làm thuê, làm mướn… để cải thiện kinh tế gia đình. “Gia đình tôi nghèo nên phấn đấu làm ăn để có tiền nuôi con ăn học.
Nhờ được vay vốn, gia đình tôi mới có tiền để thuê mặt bằng lâu dài để an tâm buôn bán. Thời gian này bắt đầu vào mùa nước, buổi sáng tôi bán điểm tâm, xong về nhà làm dớn giao cho bạn hàng, từ đó có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”- chị Chứa tâm sự.
Giúp nhau làm ăn
Gần 2 năm nay, vợ, chồng chị Phan Kim Phượng và anh Phan Văn Dệ (ấp Mỹ An 1) đã tập trung sản xuất và phát triển khá nhanh mô hình làm các sản phẩm giả mây xuất khẩu ngay tại nhà. Không chỉ tạo được nguồn thu tại gia đình, anh Dệ, chị Phượng còn mở các lớp dạy nghề, giao các sản phẩm cho bà con gia công để tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
Khởi đầu chỉ với một vài đơn hàng, anh, chị đã cố gắng làm việc, trau chuốt từng đường đan đảm bảo đạt chất lượng theo yêu cầu... Tiếng lành đồn xa, cứ thế đơn hàng tăng lên, gia đình làm không xuể nên đã mở thêm nhiều lớp dạy nghề, hướng dẫn các công đoạn sản xuất và đưa sản phẩm cho bà con mang về nhà để gia công. Đến nay đã giải quyết cho hơn 30 lao động nhàn rỗi tại địa phương, chủ yếu là PN, người lớn tuổi có việc làm.
“Để có 1 sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đơn giản có, phức tạp cũng có. Gắn với mỗi công đoạn sẽ tương xứng với tiền công, từ 4.000 - 45.000 đồng. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 70.000 - 100.000 người/ngày, người nào có tay nghề cao tiền công sẽ nhiều hơn” - chị Phượng thông tin.
Nhờ có đơn hàng đều đặn nên hầu như ngày nào cũng có nhân công đến gia đình làm cũng như giao sản phẩm đến tận nhà cho chị, em gia công. Ngoài thời gian chăm sóc con cái, chị, em có thể tranh thủ làm thêm, có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống.
“Trước đây, vợ, chồng phải rời quê hương lên tận Bình Dương để làm công nhân, hiểu hết nỗi cực khổ nơi xứ người. Gom được ít vốn và có nghề trong tay nên quyết định về quê lập nghiệp, vừa giúp gia đình có kinh tế, vừa tạo việc làm cho bà con”- anh Dệ giải thích.
Từ ngày trở về quê, kinh tế của vợ, chồng chị Phượng đã có nhiều khởi sắc, thu nhập ổn định hơn. Năm rồi, được Hội LHPN xã giới thiệu vay 20 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Long Xuyên, gia đình tiến hành san lấp, mở rộng mặt bằng.
Hiện nay, đơn hàng ngày càng nhiều, nên quy mô không chỉ trong địa phương, mà vợ, chồng anh chị còn giao sản phẩm về cho các địa phương lân cận như: Châu Thành, Chợ Mới… từ đó giúp bà con lối xóm có thêm thu nhập.
ÁNH NGUYÊN