Huyện Phú Tân hiện có 6 trường mầm non, mẫu giáo, 1 trường tiểu học công lập và 8 điểm giữ trẻ tư thục tổ chức cho học sinh buổi ăn bán trú, với 1.089 học sinh. Đầu mỗi năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo các trường có học sinh ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành y tế về đảm bảo an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm sạch từ những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đầy đủ với các cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện còn thành lập các đoàn kiểm tra bếp ăn tại các trường học bán trú. Qua công tác kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm như: khám sức khỏe đội ngũ đầu bếp, lưu trữ mẫu thực phẩm hàng ngày, thực hành dinh dưỡng, hợp đồng với các cơ sở... Song song với đảm bảo an toàn vệ sinh các bữa ăn cho trẻ nhỏ, tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán heo tiếp tục gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Các trường học mầm non, mẫu giáo, tiểu học có bếp ăn bán trú ở huyện Phú Tân đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, hạn chế dịch bệnh xảy ra...
Trường Mầm non Phú Mỹ nằm ở trung tâm huyện Phú Tân, là một trong số trường được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con theo học. Bếp ăn bán trú của trường được Sở Giáo dục và Đào tạo trang bị hệ thống bếp công nghiệp, máy sấy cơm, tủ lạnh, máy sấy chén… với kinh phí trên 100 triệu đồng, đảm bảo phục vụ bữa ăn hàng ngày cho trẻ tuân thủ theo các quy định chế biến và xử lý an toàn. Đội ngũ phục vụ bữa ăn có 5 cô, đều được qua đào tạo chuyên môn về trình độ trung cấp nấu ăn và tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm học 2018-2019, toàn trường có 278 cháu thuộc các lớp chồi, mầm, lá ở bán trú. Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ Nguyễn Thụy Vĩnh Huy cho biết, với lượng học sinh ăn bán trú đông như vậy, nhà trường rất thận trọng và chặt chẽ trong thực hiện quy trình chế biến thức ăn. Vào đầu năm học, trường xây dựng kế hoạch công tác nuôi dưỡng, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình bếp một chiều, xây dựng thực đơn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thực hiện tính khẩu phần ăn trong ngày đảm bảo khoa học, hợp lý; trường còn quan tâm đến khâu đăng ký mua nguyên liệu, thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc.
Tại Trường Mẫu giáo Tân Hòa, năm học này, trường có 141 trẻ bán trú, với 4 lớp mầm, chồi và lá. Ngoài các biện pháp chủ động, trường còn tuyên truyền dưới cờ cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về một số kiến thức cơ bản giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, hướng dẫn trẻ 6 bước rửa tay bằng xà phòng. Trong các buổi tuyên truyền, giờ đưa- đón trẻ, trường còn chiếu video clip về các dấu hiệu thịt bị nhiễm bệnh, không an toàn, giúp phụ huynh biết và lựa chọn thực phẩm an toàn. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Hòa Nguyễn Thị Bích Chơn cho biết, một ngày ăn của trẻ trị giá 22.000 đồng, gồm: bữa chính, bữa phụ, uống sữa, tráng miệng buổi chiều. Để đảm bảo chăm sóc bữa ăn cho trẻ tốt nhất, trường rất chú trọng nguồn thực phẩm, nhập liệu hàng ngày và có cam kết của nơi cung cấp. Đội ngũ đầu bếp khi tiếp nhận đồ ăn phải kiểm phẩm đầu ngày để xem độ tươi của thực phẩm, trong quá trình chế biến đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Các em phải vệ sinh trước khi ăn, các cô phục vụ đeo khẩu trang, găng tay, tạp dề, đầu tóc gọn gàng, đầu bếp tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến và được kiểm tra thường xuyên. Trường còn phối hợp cơ sở y tế kiểm tra các mặt hàng bán trước cổng trường, đảm bảo không có thực phẩm quá hạn, sử dụng phẩm màu.
Bước vào tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân tiếp tục quan tâm và duy trì thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường bán trú nói riêng, trên địa bàn huyện nói chung, đảm bảo sức khỏe của trẻ em và giáo viên trong trường học.
MỸ HẠNH