Phú Tân nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm 2023

20/04/2023 - 06:22

 - Từ đầu năm đến nay, nhờ tập trung thực hiện chủ trương của UBND tỉnh An Giang về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp (DN) yên tâm sinh sống và sản xuất - kinh doanh, huyện Phú Tân đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Tân vừa đón niềm vui xã Phú Lâm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm Nguyễn Văn Bình cho biết, với kết quả trên, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí, đồng thời quan tâm các bộ tiêu chí hướng đến NTM kiểu mẫu.

Địa phương đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các nguồn lực xã hội. Như vậy, huyện Phú Tân đã có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM và 2 thị trấn văn minh đô thị. Trong năm nay, huyện tiếp tục hỗ trợ xã Tân Trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận NTM.

Nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện cù lao có nhiều điểm sáng: Tốc độ phát triển ổn định, liên kết sản xuất và tiêu thụ được mở rộng, thu ngân sách đạt kết quả cao, chủ động trong quản lý khai thác đầu tư xây dựng, lĩnh vực văn hóa đảm bảo theo yêu cầu…

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện Phú Tân xuống giống lúa, nếp đạt 95,47%, giảm khoảng 1.000ha so kế hoạch do chuyển sang trồng rau muống lấy hạt. Năng suất lúa, nếp bình quân 7,59 tấn/ha, cao hơn 0,18 tấn/ha so kế hoạch và cao hơn 0,24 tấn so cùng kỳ. Có 4 DN tham gia ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ diện tích hơn 5.840ha với các hợp tác xã và nông dân, tăng hơn 2.230ha so cùng kỳ.

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Huyện ủy, UBND huyện được đẩy mạnh và nông dân hưởng ứng tích cực, với tổng diện tích chuyển đổi từ đầu năm 2023 đến nay hơn 734ha, tăng hơn 72ha so cùng kỳ. Không chỉ tìm tòi, lựa chọn giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, nông dân còn áp dụng khoa học - kỹ thuật khi mạnh dạn lập vườn, như: Tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, tưới phun...

Huyện duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, như: Nhà trồng nấm rơm và nấm bào ngư, nhà màng trồng dưa lưới. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng được UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi sát sao, khuyến cáo kịp thời, đến nay hoạt động ổn định, không phát sinh dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả đạt được, địa phương còn tồn tại một số khó khăn. Đáng quan tâm là các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Sản xuất nông nghiệp chịu tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, giá cả nông sản không ổn định, giá trị gia tăng của nông sản chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu và vị thế trên thị trường. Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục gặp khó khăn do các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục…

Sản xuất lúa, nếp

Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của năm 2023, trong quý II, huyện Phú Tân tập trung chỉ đạo theo dõi tình hình thu hoạch vụ đông xuân, xuống giống vụ hè thu theo lịch thời vụ. Song song đó, quan tâm phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, nhất là đối với gia cầm; công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Việc chuyển dịch từ lúa, nếp kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái và rau màu có giá trị kinh tế cao tuy có chiều hướng tích cực nhưng cần tính đến yếu tố bền vững. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm trong định hướng, dự báo thị trường, kết nối giữa nông dân và DN trong thực hiện chuỗi liên kết.

Huyện Phú Tân tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, mời gọi DN đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chương trình khuyến công cho cơ sở, DN. Trước mắt, huyện đã thống nhất phối hợp Sở Công Thương An Giang và Siêu thị Tứ Sơn tổ chức phiên chợ hàng Việt lưu động năm 2023 tại thị trấn Phú Mỹ, xã Hòa Lạc và Phú Xuân. Ngoài ra, địa phương sẽ giới thiệu các cơ sở, DN, làng nghề tham dự hội chợ ở các tỉnh, thành phố để quảng bá sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tiếp tục phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người, củng cố về cơ sở vật chất, nhân lực ngành y tế từ huyện đến cơ sở. Trong tình hình lao động thất nghiệp tăng cao, chủ yếu là người địa phương đi làm ngoài tỉnh trở về, ngành lao động - thương binh và xã hội đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Một mặt, địa phương khai giảng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, lựa chọn đối tượng, nguồn lực có trình độ, đạt chất lượng để tuyên truyền, định hướng xuất khẩu lao động.

Đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị Ban Thường vụ Đảng bộ huyện Phú Tân lần thứ 12, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Nguyên Nam lưu ý, Đảng bộ huyện Phú Tân quan tâm công tác tuyên truyền các sự kiện của tỉnh.

Trong công tác Đảng, cần quan tâm tư tưởng của cán bộ, đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc công tác kết nạp Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên vừa làm tốt nhiệm vụ, vừa có uy tín đối với nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phát động các phong trào an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân…

MỸ HẠNH