Phú Tân xã hội hóa sân chơi thể thao vùng nông thôn

05/05/2021 - 06:21

 - Ngoài cơ sở vật chất được đầu tư, hoạt động thể dục - thể thao (TDTT) ở huyện Phú Tân (An Giang) còn được phát triển theo hướng xã hội hóa. Từ đó, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân và phục vụ các giải thi đấu từ xã đến huyện tốt hơn.

Phong trào thể thao ngày càng phát triển, thu hút nhiều thành phần tham gia

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí 6 và 16 với các yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất cùng các hoạt động văn hóa - thể thao là điều kiện để thể thao phong trào ở cơ sở từng bước phát triển. Gắn với thực hiện các tiêu chí, hầu hết các địa phương đã có quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa, TDTT. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nội dung chăm sóc sức khỏe nhân dân được các địa phương quan tâm, vận động, khuyến khích người dân tham gia ngày càng nhiều hơn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Tân Từ Văn Đắc, hiện nay, phong trào tập luyện TDTT ở các xã, thị trấn phát triển đồng đều, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Thế mạnh thể thao của huyện Phú Tân những năm qua là các môn võ thuật, bóng đá. Trong quần chúng nhân dân còn phát triển thêm các môn: cầu lông, bóng chuyền, thể hình, bơi lội. Một số hộ dân, hộ kinh doanh đã tham gia xã hội hóa thể thao để đầu tư sân bãi tập luyện, 5 năm qua, các cá nhân đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng xây dựng hồ bơi, sân bóng ở các xã, thị trấn.

Tại xã nông thôn mới Bình Thạnh Đông, hiện có 7 sân bóng đá và một số sân bóng chuyền, cầu lông. Chị Đỗ Thị Như Ngọc (cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa) cho biết, phong trào TDTT ở địa phương phát triển từ rất sớm và được gầy dựng sôi nổi ở các ấp. Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, phong trào được duy trì, vận động người dân đầu tư để đáp ứng diện tích, điều kiện phù hợp hơn. Ngoài phục vụ người dân tập luyện hàng ngày, địa phương tận dụng tổ chức thi đấu các giải thể thao nhân sự kiện lớn.

Hộ tư nhân điển hình đầu tư sân tập luyện là ông Nguyễn Thành Lâm (ngụ ấp Bình Quới 1), với sân bóng đá và bóng chuyền có tổng diện tích 2.000m2. Ông Lâm đầu tư sân tập từ 15 năm trước, vì con trai rất mê thể thao nên ông quyết định làm sân bóng rộng rãi phục vụ người dân đến tập luyện hàng ngày.

Theo ông Lâm, đầu tư sân thể thao vừa có lợi cho mọi người, vừa được lợi cho gia đình, 1 giờ luyện tập thu phí 50.000 đồng, kết hợp phục vụ nước giải khát, cho thu nhập đều đặn. Nhu cầu người tập luyện ngày càng đông, ông Lâm dự định đầu tư thêm 1 sân bóng nữa trong xã.

Nằm ở vùng sâu, gần 1 năm nay, bên cạnh các môn thể thao khác, xã Phú Long có thêm hồ bơi, đáp ứng nhu cầu cấp thiết dạy trẻ bơi lội an toàn ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long Hà Hoài Bảo cho hay, do địa bàn là vùng nông thôn, nhiều sông ngòi, nên nguy cơ trẻ em xảy ra đuối nước rất cao.

Hàng năm, địa phương mở các lớp phổ cập bơi để góp phần giảm bớt rủi ro. Do nguồn kinh phí xây dựng khá lớn, nội lực địa phương rất khó thực hiện 1 hồ bơi theo tiêu chuẩn bài bản. Năm 2020, xã tiến hành vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa trong phổ cập bơi. Qua đó, đã có 1 cá nhân ở TX. Tân Châu đầu tư xây dựng hồ bơi, vừa tạo sân chơi mới, vừa để trẻ em đến luyện tập.

Theo thống kê, toàn huyện Phú Tân hiện có trên 150 sân bãi tập luyện thể thao. Trong đó có nhiều sân bãi của tư nhân đầu tư và quản lý, khai thác, tập trung ở các môn: bóng đá mi-ni, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, võ thuật, nhà tập thể hình… Số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 37,5%, hộ gia đình thể thao đạt 39%. Phong trào TDTT phát triển thu hút nhiều thành phần tham gia và tham dự các giải thể thao của tỉnh, nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, lễ hội văn hóa truyền thống… và đạt thành tích cao.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có xã hội hóa nên phong trào TDTT ở Phú Tân ngày càng đạt kết quả và đáp ứng nhu cầu rèn luyện của người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT và tăng cường mời gọi các nguồn lực đầu tư cho hoạt động TDTT.

MỸ HẠNH