Phu xe phố chợ

24/05/2022 - 05:53

 - Chiếc xe lôi đạp từng là phương tiện kiếm sống của rất nhiều người. Họ dùng sức lao động bản thân để đổi lấy thu nhập ổn định, nuôi cả gia đình. Bây giờ, xe cộ tân tiến, nghề chạy xe lôi đạp dần mai một. Vậy mà, ở đâu đó trên đường phố Long Xuyên, vẫn còn người cần mẫn theo nghề.

 

Ở tuổi 73, ông Quách Văn Rích (ngụ khóm 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn chạy xe lôi đạp nuôi gia đình. “Tôi là lao động chính, chưa thể nghỉ ngơi được. Con gái đi làm ăn xa, gửi tôi nuôi đứa cháu từ thuở nhỏ. Giờ cháu học năm 3 đại học, nên tôi ráng lo đến ngày cháu ra trường, có việc làm” - ông Rích tâm sự.

Hồi trước, ông chạy được 3-5 cuốc xe, kiếm được từ 100.000 - 200.000 mỗi ngày, coi như tạm đủ trang trải. Nhưng bây giờ tuổi cao sức yếu, mỗi ngày ông chỉ còn 1 người khách mối. Chở lượt đi, lượt về, ông nhận 40.000 đồng. Ai kêu gì thì chở thêm, chủ yếu là hàng hóa, chứ chở khách… hết nổi.

Ông Rích thường đậu xe dưới các bóng cây, trên tuyến đường chạy xuống phà Ô Môi (phường Mỹ Long) ngồi chờ khách, trong cái nắng đổ lửa, nóng nực ướt đẫm mồ hôi. Những hôm thời tiết xấu, mưa giông, ông vẫn mặc áo mưa ngồi đợi. Từ số tiền 40.000 đồng “định kỳ” hàng ngày, ông mua được mớ cá, thịt đủ cho 2 ông cháu ăn vài ngày. Hôm nào chở hàng đường xa, trời nắng gắt, khát nước, ông tấp vào lề đường ngồi nghỉ, không dám mua nước uống.

“Có lần, người ta kêu chở hàng, nhưng đưa địa chỉ không đúng. Tôi đi lạc cả buổi sáng, không được ăn uống, vừa say nắng. Chạy tới nơi, tôi choáng váng, phải tấp xe vào lề. Người dân tới đỡ tôi vào nhà, mua trà đường, đồ ăn cho tôi. Nhưng tôi mệt, không ăn nổi. Ngồi nghỉ một chút, tôi lặng lẽ chạy về. Hôm đó vừa bỏ công, vừa không được trả tiền. Rồi có lần, tôi bị một người say rượu đụng trúng, nghỉ ở nhà hơn nửa tháng.

Tôi không làm khó người ta, chỉ nhận đủ tiền sửa xe và mua thuốc uống, còn lại tôi tự bỏ tiền túi ra lo, coi như mình xui rủi. Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe, nhưng giờ tôi bị bệnh cột sống, đau dạ dày, giãn động mạch… Bác sĩ dặn đừng làm nặng, còn chi phí điều trị bệnh mấy chục triệu đồng. Tôi đành mua thuốc uống đỡ, tiếp tục chạy xe. Nghỉ làm thì tiền đâu mà trang trải cuộc sống” - ông Rích bày tỏ.

Cuộc sống của ông đỡ vất vả một phần nhờ chí thú lao động, phần khác nhờ mọi người xung quanh và địa phương giúp đỡ. Hàng xóm thấy tội nghiệp, thường cho gạo, nước tương… hỗ trợ mỗi khi ông có vấn đề về sức khỏe.  Trong căn nhà hơn 10m2 dần xuống cấp, ông cháu nương tựa vào chiếc xe lôi đạp mà sống.

“Tôi nhớ mãi cảnh ông dắt xe về nhà trong cơn mưa tầm tã, thương ông lắm. Chưa bao giờ tôi mặc cảm vì nghề của ông. Ngược lại, tôi càng thêm trân trọng những người như ông, sinh sống bằng công sức của mình. Tôi mong sao, mình sẽ sớm có việc làm ổn định, chăm sóc để ông yên tâm “nghỉ hưu”, không cần chạy xe lôi đạp mỗi ngày mưu sinh nữa” - Quách Gia Tường (cháu ngoại ông) tâm sự.

Vào nghề từ năm 1975, ông Nguyễn Văn Chắc (76 tuổi) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi đậu xe đợi khách ngay trạm xe buýt đối diện siêu thị Co.opmart Long Xuyên, vắng khách thì chạy vài vòng khu vực tượng đài Bác Tôn. Trước kia, tôi làm nghề này nuôi gia đình cũng được 2 bữa cơm/ngày. Bây giờ có khi một tuần, 10 ngày không một cuốc xe, cuộc sống bấp bênh. Tôi có tuổi rồi, trời thương cho tôi sức khỏe, ít đau bệnh. Lớn tuổi nên tôi ít chở hàng xa, chỉ nội ô Long Xuyên, kiếm vài chục ngàn đồng.

Sức yếu, mỗi lần chở hàng qua cầu, tôi phải dừng lại dẫn bộ, nhờ người đẩy tiếp. Tiền chỉ đủ nuôi sống bản thân, trang trải tiền trọ, tiền sửa xe, tiền thuốc khi đau ốm... Tôi ăn cơm từ thiện, đỡ một phần chi phí. Bốn đứa con đều đi làm thuê. Thấy con khổ, tôi đâu nỡ để con lo cho mình, cố gắng làm được gì thì làm, không thể là gánh nặng cho con”.

Với ông Nguyễn Văn Đậu (hơn 60 tuổi), ít khi ông nói giá. Khách cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Thường, người ta thấy cảnh khổ của người chạy xe lôi đạp như ông, đâu nỡ ép giá làm gì. Cũng vất vả mưu sinh, đánh đổi công sức kiếm chút thu nhập tuổi già, ông nỗ lực vượt qua cảnh khổ của bản thân, hạn chế làm phiền con cháu. “Nắng mưa thì đậu nhờ mái hiên nhà người ta. Xe hư thì đi vay, mượn tiền để sửa. Biết tôi nghèo, người cho mượn tiền không lấy lời. Ngày nào còn khỏe, ngày đó tôi vẫn theo nghề. Làm gì quen nấy, tôi không bỏ được chiếc xe này!”.

Những người chạy xe lôi đạp thường lớn tuổi, gắn bó mấy chục năm với nghề. Biết rằng ngày càng ít khách, ít nhu cầu thuê xe, nhưng họ vẫn bám trụ. Cơ cực, thu nhập không bao nhiêu, đối mặt với rất nhiều rủi ro trên đường, họ đều hiểu rõ. Nhưng quý ở chỗ, họ muốn sống bằng sức lao động chân chính của bản thân, thay vì phụ thuộc vào người khác, dù đó là con cháu mình. Quan niệm sống ấy rất đáng được trân trọng!

ĐAN THANH