Phục hồi kinh tế thích ứng dịch bệnh

14/10/2021 - 03:53

 - Từ cuối tháng 4-2021, đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội (KTXH). Thực tế này đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách, kế hoạch, lộ trình phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), phục hồi kinh tế của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

“Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”

Trước những diễn biến của dịch COVID-19, việc thực hiện giãn cách, đóng cửa các hoạt động kinh tế trong thời gian dài trên diện rộng đã không còn phù hợp, bởi vì không thể khống chế dịch bệnh một cách tuyệt đối.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Hồ Việt Hiệp cho rằng, đã đến lúc sống thích nghi với dịch COVID-19 và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Ông Hiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang cần có văn bản chỉ đạo mới để thống nhất trong việc thích nghi, phục hồi kinh tế. Trong đó, cần đẩy nhanh, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động ở các doanh nghiệp (DN) để đảm bảo an toàn cho SXKD, giúp tiết kiệm chi phí xét nghiệm cho DN. Mặt khác, DN cần xây dựng các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn SXKD.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát tình hình kinh doanh của ngân hàng. Ảnh: THU THẢO

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, dịch bệnh COVID-19 đã để lại những ảnh hưởng nặng nề đối với DN, xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế và cuộc sống chúng ta. Vì vậy, DN cần tái cấu trúc sản xuất, thay đổi một cách phù hợp và chấp nhận trả giá một chút để phục hồi sản xuất.

Ông Thòn cho rằng, các công ty, DN cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của công nhân, người lao động, nhất là thực hiện thông điệp “5K”. Mặt khác, DN rất mong lãnh đạo tỉnh lắng nghe, kịp thời giải quyết những khó khăn của DN, tạo thuận lợi cho DN phục hồi SXKD. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn cần dự báo sớm, chuẩn xác về tình hình dịch bệnh để DN chủ động trong phòng, chống dịch khi tổ chức sản xuất lại.

Trước tình hình hiện tại, An Giang xác định cần phải thích ứng, có cách tiếp cận mới, phù hợp và linh hoạt hơn để đảm bảo giữ vững 3 trụ cột, gồm: kinh tế, y tế và chính trị - xã hội. Đồng thời, đảm bảo 3 nguyên tắc: dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” là bắt buộc.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để thực hiện được điều này, công tác phòng, chống dịch và mở cửa các hoạt động phục hồi và phát triển KTXH trong tình hình mới cần dựa trên những quan điểm và nguyên tắc sau: chuyển từ mục tiêu “không COVID” sang mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển KTXH; kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch với các hoạt động KTXH; chú trọng an sinh xã hội, lấy người dân, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch…

Thực hiện một cách thận trọng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, dựa trên tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế, tỉnh An Giang lựa chọn cách tiếp cận thứ 2 mà một số tỉnh, thành phố đã áp dụng để mở cửa kinh tế, phục hồi và phát triển KTXH một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, từng tình huống. Đó là cách tiếp cận theo hướng chia thành các mức độ khác nhau dựa trên tình hình dịch tễ và năng lực y tế để quyết định các chính sách về giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Chúng ta xác định phải sống, làm việc chung với COVID-19, do đó việc mở cửa trở lại hoạt động SXKD là cần thiết để sớm phục hồi, phát triển KTXH. Tuy nhiên, việc cho phép hoạt động trở lại đối với các DN, lĩnh vực phải thận trọng, có lộ trình thật hiệu quả. Đặc biệt, vẫn phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp về an toàn phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới để thực hiện thành công “mục tiêu kép” của tỉnh. Việc mở cửa các hoạt động SXKD phải chú ý thực hiện phương châm “An toàn để phục hồi sản xuất và sản xuất phải an toàn”.

Ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, trong quá trình phục hồi SXKD, DN cần lưu ý đến vấn đề giãn cách (quy mô sản xuất, cách quản lý chặt chẽ, sự cam kết của DN); theo dõi sức khỏe của công nhân khi trở lại sản xuất đảm bảo an toàn. Để đạt được yêu cầu này, DN phải xây dựng hệ thống cảnh báo từ sớm (công nhân tự khai báo y tế, triệu chứng nghi nhiễm…); phải xét nghiệm để quản lý chặt chẽ nguồn lây, yếu tố dịch tễ; phân ca nghỉ giai lao để đảm bảo giãn cách. DN phải thành lập bộ phận y tế để tư vấn, theo dõi tình hình sức khỏe của người lao động tại DN. Mặt khác, ngân hàng cũng quan tâm, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để phục hồi SXKD.…

“Những nơi nào đã chuyển sang “vùng xanh” nên nhanh chóng triển khai các hoạt động phục hồi sản xuất; còn những nơi đang dập dịch thì chậm một bước. DN cần cho người lao động cam kết trong thực hiện nghiêm “5K”, kịp thời báo cáo DN khi có các triệu chứng ho, sốt… Tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động để đảm bảo SXKD an toàn”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh

 

THU THẢO

 

 

 

 

Liên kết hữu ích