Đến nay, đa phần các nước trên thế giới đã kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhưng tác động của đại dịch còn rất lớn. Nhiều quốc gia có tốc độ tăng trưởng rất thấp, phục hồi chậm, tỷ lệ lạm phát khá cao, giao thương quốc tế vẫn còn gián đoạn… Trong bối cảnh đó, kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 tháng của năm 2022 phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao.
Theo các số liệu vừa được Chính phủ công bố, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, du lịch phục hồi ấn tượng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tích cực, đồng bộ. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.
5 tháng của năm 2022, thu ngân sách tăng 18,7% so cùng kỳ 2021; FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thực hiện tăng 7,8%; số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 98.600 DN, cao nhất từ trước tới nay. Riêng tháng 5, xuất, nhập khẩu tăng 14,5%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,6%... Tháng 5/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 70% so với tháng trước; tính chung 5 tháng của năm 2022 tăng đến 350% so với cùng kỳ 2021.
Trong bối cảnh có tới 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong 2 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng bậc tín nhiệm dài hạn lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Điều này được S&P dựa trên nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch COVID-19.
S&P ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút lượng lớn dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch. Cùng với đó là các thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính công duy trì trạng thái ổn định và dư địa chính sách vẫn dồi dào, những thành tựu xã hội góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân…
Triển vọng “Ổn định” thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong 2 năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%, còn xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.
Những kết quả đạt được cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản, đồng bộ, kịp thời, đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các địa phương. Chính phủ nhất quán quan điểm và kịp thời triển khai nhiều giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế…
Từ sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 (giữa năm 2021) tới nay, Việt Nam là một điển hình toàn cầu về tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh. Chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19 đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt “bão giá” và những cú sốc toàn cầu, hướng tới phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính phủ đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt các dự án hạ tầng trọng điểm, các đột phá chiến lược (hạ tầng, thể chế, nhân lực); huy động mọi nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy, truyền cảm hứng phát triển cho các địa phương; nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân…
Bất chấp kết quả đạt được hôm nay, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội vẫn xuất hiện những ý kiến chỉ trích chính sách chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam. Một số luận điệu cho rằng “Việt Nam chỉ lo phục hồi kinh tế mà lơ là chống dịch”, “Dịch bệnh ở Việt Nam chưa kiểm soát được”, “Việt Nam đổ tiền vào phục vụ vui chơi (ý nói tổ chức SEA Games 31) trong khi người dân đói khổ”, “Số liệu tăng trưởng kinh tế chỉ là ảo”…
Tuy nhiên, chính đánh giá của đa số quốc gia, các tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới… về hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế của Việt Nam đã chứng minh những luận điệu trên chỉ là xuyên tạc, võ đoán. Trong nước, niềm tin của người dân, DN với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… ngày càng tăng lên.
N.H