Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN
Theo dự thảo, trong giai đoạn 2025 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời, tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.
Thí sinh học chương trình Trung học Phổ thông dự thi 4 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông dự thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.
Bày tỏ đồng tình với dự thảo phương án thi vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Hà Nội cho rằng: Phương án này phù hợp với xu hướng trên thế giới và Việt Nam, có kế thừa phương án hiện tại, gắn với chương trình mới. Với phương án thi mới, học sinh sẽ có nhiều thuận lợi vì được lựa chọn 2 môn. Điều cần thiết là nhà trường tổ chức cách dạy học, ôn tập, kiểm tra đánh giá hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo chương trình mới. Cha mẹ học sinh cần định hướng về xu hướng thi sắp tới để đồng hành cùng con em mình.
Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội đánh giá, dự thảo phương án thi tốt nghiệp rất phù hợp để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đồng thời, học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với tổ hợp khối thi truyền thống để xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, đa phần các môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên việc tiến tới thi trên máy có nhiều thuận lợi, thí sinh thi xong có thể biết ngay kết quả. Lộ trình thực hiện trên toàn quốc sau năm 2030 là phù hợp để các địa phương có thời gian chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất. Hà Nội là địa bàn có điều kiện cơ sở vật chất tốt, có thể tiến hành thi trên máy sớm.
Với phương án này, thầy Đoàn Minh Châu mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đề thi minh họa sớm để các trường có căn cứ dạy học, ôn tập. Bên cạnh đó, nếu tổ chức thi trên máy, ngân hàng câu hỏi thi phải rộng hơn, đảm bảo việc thi nhiều ca khác nhau, đặc biệt, đề thi phải khoa học và đảm bảo công bằng như nhau. Việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 12 cần đẩy nhanh, để các nhà trường và giáo viên sớm nắm được nội dung chương trình, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy và ôn tập phù hợp cho học sinh. Bởi giai đoạn này, giáo viên vừa mới đi tập huấn sách giáo khoa lớp 11, còn sách giáo khoa lớp 12 phải chờ thêm một năm nữa.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc. Tuy nhiên, với hai môn lựa chọn, thầy Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kết hợp với các trường đại học để xây dựng thành những mã ngành phù hợp yêu cầu tuyển sinh giúp học sinh thuận lợi trong lựa chọn. Ví dụ, cùng với 4 môn bắt buộc kết với với hai môn tự chọn nào sẽ ra kết quả những ngành nghề tuyển sinh như khối A, B, C, D lâu nay. Việc này cần được triển khai sớm và duy trì ổn định, tránh biến động hằng năm.
Góp ý cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới đề thi, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần phải tăng cường tỉ lệ câu hỏi vận dụng lên từ 30 - 40% thay vì 25% như hiện nay. Như vậy sẽ thúc đẩy học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Đối với học sinh, lo lắng của nhiều em vẫn nằm ở môn Lịch sử khi môn này trở thành bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Các em mong muốn hình thức học và kiểm tra, đánh giá sẽ thay đổi để không gây áp lực do phải học thuộc lòng quá nhiều.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, việc đưa môn Lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp. Điều cần làm là giáo viên bộ môn phải thay đổi phương pháp dạy để học sinh tự học, không nên đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều.
Cô Quỳnh chia sẻ: Từ năm học này, nhà trường thay đổi hướng dạy học môn Lịch sử theo dự án. Học sinh sẽ chia nhóm, thực hiện các dự án tự tìm hiểu kiến thức, dựa trên gợi ý của giáo viên, sau đó làm thành những bài tiểu luận nhỏ. Giáo viên là người tổng kết, đánh giá sự kiện, giai đoạn đó có ý nghĩa thế nào. Ngoài ra, hàng tuần, nhà trường kết hợp hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục địa phương để học sinh tham gia tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa. Cách học như vậy sẽ khiến học sinh rất hào hứng, chủ động tiếp cận kiến thức. Tiếp đó, cần thay đổi cách ra đề thi để học sinh ban A cũng không “quay lưng” với Lịch sử.
Năm học này, các trường Trung học Phổ thông đang có sự chuyển hướng khi cho học sinh làm quen dần với các hình thức kiểm tra mới, nhất là với môn Ngữ văn, xu hướng là sử dụng các ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa. Cô Vũ Thị Lan Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết: Ngay từ bây giờ, giáo viên đã phải chú ý rèn kỹ năng làm bài cho học sinh, điều quan trọng là các em phải nắm được phương pháp và kỹ năng xử lý thông tin, ngữ liệu, kỹ năng đọc hiểu, phân tích vấn đề, không bó hẹp trong các tác phẩm ở sách giáo khoa.
Theo Báo Tin Tức