Trong chiến dịch tiêm đợt này, phường Mỹ Bình bố trí điểm tiêm tại 1 quán cà phê có khuôn viên rộng, đảm bảo sức chứa phù hợp và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chuẩn bị cho đợt tiêm, người dân, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu, thông tin cá nhân, gửi đến Ban Nhân dân khóm nơi cư trú (thông qua mạng xã hội hoặc đến trực tiếp). Các dữ liệu được tập hợp, tích hợp trên Cổng tiêm chủng quốc gia. Nhờ vậy, rút ngắn thời gian điền thông tin, chờ đợi khi buổi tiêm chủng diễn ra. Sau ít phút khám sàng lọc, kiểm tra, đối chiếu lại thông tin, người dân đã được tiêm.
Với cách làm này, mỗi người chỉ mất chưa đầy 30 phút chờ đợi đến lượt tiêm. Chiến dịch hướng đến tiêm cho hơn 6.000 người dân trong 3 ngày, tương ứng với hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên của phường được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Điểm khác biệt của mô hình tiêm chủng này là được tổ chức trên nền ứng dụng công nghệ thông tin. Người dân được tiêm xong, ngay lập tức thông tin được cập nhật trên ứng dụng; cán bộ phụ trách không phải mất thời gian nhập liệu nữa. Với tiến độ này, phường Mỹ Bình tiêm được 2.000 người/ngày (tăng gấp 4 lần so cách làm thủ công trước đó).
Trong thời gian chờ nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, người dân được hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng sổ sức khỏe điện tử.
Trên cơ sở dữ liệu tiêm chủng có thông tin người đã được tiêm (số mũi vaccine, chủng loại vaccine), sau khi tiêm xong, dựa trên sổ sức khỏe điện tử khi di chuyển trong nước, qua các điểm kiểm dịch có thể quét QR Code để biết được tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này. Do đó, khuyến khích người dân cài đặt và sử dụng phần mềm này trên điện thoại di động.
Lãnh đạo địa phương tham quan mô hình điểm tại phường Mỹ Bình. Đây là cách làm rất hiệu quả, góp phần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cộng đồng, sớm đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.
Tin, ảnh: GIA KHÁNH