Phương pháp luận Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI)

08/11/2023 - 06:14

 - Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, An Giang giảm cả về điểm số và thứ hạng, với tổng điểm giảm 4,11 điểm, thứ hạng giảm 37 bậc và còn cách xa “tốp 30” cả nước. Mục tiêu năm 2023, tỉnh tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, có chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh và cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng Chỉ số PCI. Ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký quyết định 1510/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo phương pháp luận Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023.

Thúc đẩy nhận thức và hành động, để cải thiện công tác quản lý, điều hành, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp

DDCI An Giang năm 2023 sẽ tiếp tục tập hợp các đánh giá về cảm nhận của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, cụ thể là các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh về công tác điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các cơ quan một cách hệ thống. Xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Đồng thời, thúc đẩy nhận thức và hành động để cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế tại An Giang, với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) bao trùm. Điều này trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển KTXH tại địa phương.

Để có thể bứt phá vươn lên mạnh mẽ, An Giang cần phải nỗ lực cải cách, có nhiều sáng kiến đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đổi mới sáng tạo trong thu hút đầu tư phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Yêu cầu này đặt ra các vấn đề cần giải quyết đối với việc cập nhật và triển khai DDCI năm 2023, nhất là tập trung cải thiện ở cấp sở, ban, ngành và các địa phương.

 DDCI An Giang năm 2023 được xây dựng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động để cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, thi đua thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ. Quyết liệt cải cách để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ người dân và DN nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh, hướng tới phát triển KTXH bao trùm. Điều này cũng trực tiếp mang lại lợi ích về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phát triển KTXH tại địa phương.

Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu của Bộ chỉ số DDCI An Giang được xây dựng trên nguyên tắc nền tảng và thông lệ tốt về điều hành và quản trị kinh tế của các cấp chính quyền. Đồng thời, liên quan trực tiếp tới năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, đảm bảo phản ánh chính xác hơn, kịp thời hơn, toàn diện hơn các mặt quản lý, điều hành kinh tế tại các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố.

Trong bối cảnh phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành xu hướng tất yếu, DDCI An Giang năm 2023 tiếp tục đề cập tới những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, trong khảo sát; bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến chỉ số xanh ở cấp độ cao hơn các năm trước… Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI sẽ đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, chính quyền địa phương từ các góc độ này. Bằng cách đó, DDCI sẽ khuyến khích chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương chú ý và quan tâm đúng mức về hoạt động quản lý, điều hành kinh tế tại An Giang, đảm bảo hài hòa các vấn đề về phát triển bao trùm, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.

DDCI An Giang năm 2023 tiến hành đánh giá 22 sở, ban, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố, với 8 chỉ số thành phần đối với cấp sở, ban, ngành và 9 chỉ số thành phần đối với huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể: (1) Quy trình thực hiện thủ tục hành chính; (2) tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; (3) chi phí thời gian; (4) chi phí không chính thức; (5) cạnh tranh bình đẳng; (6) tính năng động và tiên phong; (7) hoạt động hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; (8) hiệu lực thiết chế. ngoài 8 chỉ số như cấp sở, ban, ngành thì cấp huyện, thị xã, thành phố có thêm 1 chỉ số về tiếp cận đất đai và an ninh trật tự.

Thông qua kết quả khảo sát, các sở, ban, ngành và địa phương sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh và nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại An Giang.

Điểm đổi mới và toàn diện hơn so cách đánh giá DDCI cũ là cách tiếp cận toàn diện tới các vấn đề chuyển đổi số, phát triển bao trùm, phát triển bền vững. Từ đó, đưa ra những giải pháp toàn diện với mục đích “không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm phát triển KTXH bền vững và ứng dụng công nghệ 4.0, hướng tới chuyển đổi số trong tương lai.

HẠNH CHÂU