Bảo Ngọc sẽ có cơ hội tham gia vòng chung kết tại Mỹ - Ảnh: AmPA
Nghệ sĩ piano - nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh cho rằng, đây có thể xem là dấu hiệu của những biến chuyển trong đời sống âm nhạc cổ điển.
3 tuổi trở lên đều có thể tranh tài
Vòng loại cuộc thi piano quốc tế - Đường đến nhà hát danh tiếng Carnegie Hall (Piano House International Competition - Your Road to Carnegie Hall), do Piano House International cùng Tổ chức Giáo dục âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn Á Châu (AMPA Education) tổ chức giữa tháng 5 vừa kết thúc tuyển sinh. Vòng loại tại Việt Nam là một phần quan trọng của tour vòng loại cuộc thi piano quốc tế này, cùng với Thái Lan, Đài Loan, Singapore và Indonesia. Ở cuộc thi này, những tài năng piano từ 3 tuổi trở lên đều có thể tranh tài để có cơ hội tỏa sáng và trình diễn trong đêm gala chung kết tại Nhà hát Carnegie Hall ở thành phố New York, Mỹ. 6 thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển trực tiếp vừa được công bố: Bảo Ngọc, Hoàng Hà, Lan Anh, Minh Quân, Đăng Duy, Nghi Anh. Vòng chung kết và gala sẽ diễn ra tại New York vào ngày 15 và 16-9 tới.
Với vai trò giám khảo, nghệ sĩ piano quốc tế Adam Gyorgy đánh giá khá tốt về các thí sinh Việt Nam. “Tôi vẫn còn nhớ cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào kể từ giây phút được biểu diễn tại Carnegie Hall, bắt đầu từ hội trường nhỏ và tốt nghiệp tại hội trường lớn. Cuộc thi piano quốc tế này được tổ chức nhằm mục đích mang lại cơ hội và kinh nghiệm cho trẻ em Việt Nam để đưa tài năng của các em đến một trong những sân khấu danh tiếng nhất thế giới - Nhà hát Carnegie Hall”, Adam Gyorgy nói.
Tiếp đó, là liên hoan và cuộc thi âm nhạc Chicago (CIMC), do Học viện quốc tế Tài năng piano và Đại học Wheaton (Mỹ) đồng tổ chức, được Công ty Artista - đối tác độc quyền của CIMC tại Việt Nam tổ chức vào 25, 26.5. Cuộc thi dành cho thí sinh Việt Nam và những thí sinh quốc tịch nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (từ 4 tuổi trở lên). Kết quả cũng vừa được công bố với 57 thí sinh nhận được thư mời đến Mỹ của ban tổ chức vào tháng 8 tới (trong đó thí sinh có điểm 180 - 230 tham dự theo bảng "biểu diễn", trên 230 điểm sẽ tham dự bảng “thi đấu”).
Hoàng Hà sẽ có cơ hội tham gia vòng chung kết tại Mỹ - Ảnh: ẢNH: AmPA
Và năm nay là lần thứ 2 Philadelphia International Music Festival (PIMF, được thế giới biết đến 20 năm qua như một lễ hội âm nhạc với nhiều nội dung, từ những buổi học nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật biểu diễn đến liên hoan, thi thố ở các chuyên ngành của âm nhạc cổ điển) được tổ chức tại Việt Nam, bởi Trường Nghệ thuật TED SaiGon.
Là thành viên ban giám khảo tại Việt Nam của CIMC, NSƯT - nhạc trưởng Hoàng Điệp, cho rằng: “Nếu chúng ta chỉ đợi tham gia các cuộc thi quốc tế mang tầm thế giới như “Concours Tchaikovsky” hay “Concours Chopin”... thì các bạn trẻ Việt Nam sẽ khó có cơ hội được làm quen, cọ xát... Những cuộc thi vừa qua tại Việt Nam chính là cơ hội tốt cho các bạn trẻ được thử sức tài năng âm nhạc của mình. Đây còn là sân chơi lành mạnh đối với những công dân ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam có con em theo học các chuyên ngành âm nhạc”.
Lan Anh sẽ có cơ hội tham gia vòng chung kết tại Mỹ - Ảnh: ẢNH: AmPA
Học piano trở thành một phần trong kế hoạch giáo dục
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh cho biết: “Các cuộc thi piano thường được chia thành chuyên nghiệp với quy chuẩn nghiêm ngặt và bán chuyên nghiệp (mang tính festival khuyến khích việc học). Ngay cả những cuộc thi chuyên nghiệp cũng được chia thành nhiều cấp độ. Không phải cứ là "cuộc thi piano quốc tế" sẽ là một thước đo tương đồng. Cá nhân tôi đánh giá, việc các nhà tổ chức thế giới quan tâm trong thời gian gần đây thường nghiêng về loại cuộc thi thứ 2, tức là loại bán chuyên nghiệp, mang tính khuyến khích học. Điều này cũng rất tốt và đáng mừng”.
Theo nghệ sĩ piano - nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh, số lượng trẻ theo học piano liên tục tăng cao trong suốt hơn hai thập niên trở lại đây, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu trong xã hội. “Dần dần, việc học piano đã trở thành một phần trong kế hoạch giáo dục dành cho con của các bậc cha mẹ hiện đại. Có thể nói sau tiếng Anh, âm nhạc, và đặc biệt là piano, là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của cha mẹ nhằm mang tới môi trường phát triển cá nhân tốt nhất cho con mình”, cô cho biết.
Trang Trịnh chia sẻ thêm rằng, các cuộc thi còn cho thấy sự tăng cao nhu cầu giao lưu, trao đổi văn hóa, cũng như nhu cầu có được những trải nghiệm mới - như được tham gia một festival âm nhạc với bạn bè quốc tế, không chỉ dành cho các học sinh chuyên ngành, mà cả ở những học sinh bán chuyên, như là một phần trong con đường trở thành công dân toàn cầu của cá nhân họ.
Mặt khác, nghiên cứu nội bộ của AMPA Education được cô Phạm Doãn Hà My, Giám đốc điều hành, cung cấp: “Ngày càng nhiều gia đình trẻ có quan điểm hiện đại muốn hướng con tham gia các bộ môn nghệ thuật và đặc biệt mong muốn con có cơ hội tham gia các cuộc thi quốc tế mang tính cạnh tranh lành mạnh, tinh thần cầu tiến như các cuộc thi piano đã đến với Việt Nam gần đây”.
NSƯT Hoàng Điệp cũng bày tỏ: “Nhiều năm gần đây, việc thí sinh châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thắng lớn tại các cuộc thi piano quốc tế đã và đang là những động lực rất lớn cho các bạn trẻ trong nước phấn đấu. Tôi nghĩ, khi nhà nước chưa thể thực hiện thì hãy để cho các đơn vị tư nhân tiến hành các khâu kết nối tổ chức các cuộc thi, tạo cơ hội cho các tài năng âm nhạc Việt Nam vươn ra biển lớn”.
Theo NGUYÊN VÂN (Thanh Niên)