Quản lý doanh nghiệp sau thành lập

08/05/2024 - 07:57

 - Đi đôi với hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), những năm qua, tỉnh còn tăng cường quản lý DN sau thành lập. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý giúp DN tiếp cận chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy DN phát triển.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm qua, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập. Hàng năm, tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2023, tỉnh có 940 DN đăng ký mới, 826 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 7.900 tỷ đồng. Quý I/2024, có 245 DN đăng ký mới, tổng vốn đăng ký 425 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2022, số DN đăng ký tăng 14,2%, vốn đăng ký giảm 23,3%; 162 DN hoạt động trở lại, tăng 4,8%; 63 DN giải thể, 326 DN tạm ngừng hoạt động. 

Họp mặt doanh nghiệp đầu năm 2024

Năm qua, UBND tỉnh tổ chức 2 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD cho DN; họp mặt DN đầu Xuân 2024. Thông qua đó, UBND tỉnh tiếp nhận nhiều ý kiến từ phía cộng đồng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhiều kiến nghị, vướng mắc được làm rõ, giải quyết ngay tại hội nghị. Đối với kiến nghị có tính chất phức tạp, liên quan  nhiều cơ quan, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời theo thẩm quyền. 

Thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP, ngày 8/4/2023 của Chính phủ, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác đặc biệt đã tiếp nhận, xử lý nhiều vấn đề, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, được cộng đồng DN, Hiệp hội DN tỉnh đánh giá cao. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho DN; quảng bá, xúc tiến đầu tư, vận động đầu tư vào tỉnh theo cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; tư vấn cho tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh về thành lập DN, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh, sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.

Nâng cao hiệu quả quản lý 

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai thông tin DN có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về DN trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Cục thuế tỉnh cập nhật chính sách thuế mới lên trang thông tin điện tử của đơn vị... Thông báo vi phạm, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, thông báo giải thể, chấm dứt hoạt động của DN được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để theo dõi, giải quyết vấn đề. 

Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị tiến hành 920 cuộc thanh, kiểm tra 1.493 DN (666 cuộc theo kế hoạch tại 1.176 DN, 254 cuộc đột xuất tại 317 DN). Qua thanh, kiểm tra, các đơn vị ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trên 17 tỷ đồng), thu nộp ngân sách gần 14 tỷ đồng. Một số vi phạm chủ yếu, như: Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa và vi phạm về hàng hóa có chất lượng không phù hợp hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở; DN chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… Công an tỉnh kiểm tra 1.268 cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phát hiện 135 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 662 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập, sở, ngành, địa phương cần phối hợp quản lý DN; tăng cường đối thoại với DN, hộ kinh doanh. Thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Thanh, kiểm tra DN sau đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao ý thức DN trong hoạt động SXKD theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh: “Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD năm 2024, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng DN cần “thay đổi để phát triển và bứt phá”. Tiếp tục nêu cao tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt. Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển SXKD khoa học, hiệu quả, đổi mới, sáng tạo, để chủ động tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập”.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích