Các sản phẩm quất cảnh bon sai cá chép hóa rồng bày bán ở chợ hoa TP. Tam Điệp (Ninh Bình) thưa vắng người mua.
Hoa đào, quất Tết cười - người héo
Lượn quanh một vòng các chợ hoa, cây cảnh ở Phủ Lý (Hà Nam), TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp (Ninh Bình), chúng tôi thấy các gian hàng bày bán quất cảnh bon sai, đào rừng, đào phai... rất vắng khách mua.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chủ gian hàng hoa, cây Tết cho biết, nhiều ngày nay các sản phẩm đào, quất bon sai luôn trong tình trạng ế khách, thậm chí có ngày mọi người không bán được sản phẩm nào.
Điều đáng nói là thời tiết những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nắng ấm, nhiệt độ tăng cao làm cho sản phẩm đào hoa của bà con bung nở sớm, quất Tết chín quá giấc héo, rụng nhiều khiến người bán càng lo lắng, thê thảm hơn.
Gần 10 năm đưa quất Tết về chợ TP.Tam Điệp bán chưa năm nào ông Phạm Văn Hùng ở Văn Giang (Hưng Yên) lại cảm thấy sản phẩm ế ẩm như năm nay. Dù đã biết trước được tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Hùng chỉ đưa số lượng quất cảnh bằng 50% so với Tết năm 2020 về bán nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn.
Theo các chủ gian hàng, giá bán các mặt hàng đào, quất Tết năm nay khá rẻ. Các loại quất bonsai giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/chậu, đào phai cành bán từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/cành "dễ thở" hơn.
"Có thể do thu nhập của người dân giảm nhiều sau mấy đợt đại dịch nên nhu cầu mua các sản phẩm đào, quất giá bình dân cao hơn các năm trước", ông Hùng chia sẻ.
Do thiếu vắng khách mua, người bán nằm ngủ bên gian hàng quất cảnh ở Phủ Lý (Hà Nam).
"Năm nay chợ vắng khách quá, bán ở chợ 4 ngày mà chúng tôi xuất được vài chục sản phẩm. Cứ đà ế ẩm như hiện tại, hàng trăm chậu quất cảnh, bon sai cá chép, thần tài còn lại cũng khó mà bán hết được", ông Hùng than thở.
Để thu hút thêm khách mua, vợ chồng ông Trần Văn Tâm, chủ gian hàng quất cảnh ở Phủ Lý (Hà Nam) đã phải giảm giá bán các sản phẩm nhưng khách mua vẫn rất nhỏ giọt. Theo kế hoạch, năm nay ông Tâm đặt mua buôn hàng nghìn chậu quất cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) bán Tết nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, hàng khó bán nên ông đành phải "ngậm đắng" chịu phạt với chủ vườn để hủy 50% đơn hàng để hạn chế thua lỗ nặng.
"Vụ quất Tết này chúng tôi xác định chịu thua lỗ hàng chục triệu đồng, đau xót lắm", ông Tâm bộc bạch.
Không chỉ ế ẩm, mất giá, nhiều nông dân trồng hoa đào ở "thủ phủ" đào phai xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) năm nay còn chịu cảnh thất thu do thời tiết nắng ấm khiến đào nở quá sớm, không kịp bán.
"Gi đình tôi có vài trăm cây đào phai thì có đến một nửa vườn đã bung nở rực rỡ và đã ra quả. Số cây còn lại bán vội kịp ở mức giá rẻ, buồn quá", ông Phạm Văn Hiền ở "thủ phủ" đào phai Đông Sơn nói.
Cũng theo ông Hiền, không chỉ hộ nhà ông bị thất thu vì đào nở quá sớm mà hàng trăm hộ ở 10 thôn có thương hiệu đào phai Đông Sơn đều khốn đốn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời tiết bất thuận.
"Giờ mới 27-28 Tết mà người trồng đào Đông Sơn không còn hàng bán, bà con ngồi ở nhà mà như "ngồi trên lửa", ông Hiền than phiền.
Người trồng đào phai Đông Sơn (Ninh Bình) thất thu vì đào nở sớm, giá rẻ.
Đào tiến vua, mai vàng đắt khách
Trái ngược với tình trạng ế ẩm của quất, đào phai ở các vùng ở miền Bắc, chủ nhà vườn đào tiến vua, mai vàng ở Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) lại đang"cháy hàng".
Hơn 10 năm đưa mai vàng từ miền Nam, đào Thất Thốn (hay còn gọi là đào tiến vua) từ Hà Nội về "thuần phục", đến năm nay gia đình ông Phạm Xuân Thủy đã có các sản phẩm đầu tiên đưa ra phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
"Các chậu đào tiến vua của tôi tuy nhỏ nhưng "có võ", hoa nụ, thân, cành rất đẹp nên rất hút người mua", ông Thủy khẳng định.
Ông Thủy chăm sóc các chậu mai vàng miền Nam cung cấp cho khách ở các tỉnh, thành miền Bắc chơi Tết.
Vừa xuất hiện trên thị trường, các chậu mai vàng của ông Thủy có giá bán trên dưới 10 triệu đồng/chậu, giá thuê từ 3-5 triệu đồng đều đã có khách đặt hết hàng.
"Hiện, hơn 40 chậu mai vàng và hơn chục chậu đào tiến vua đều đã có khách mua và chuyển đi. Đến thời điểm này cũng còn nhiều khách gọi điện thoại đặt hàng mua cây chơi Tết nhưng chúng tôi đành từ chối và hẹn mọi người đặt hàng sang Tết năm sau", ông Thủy tiết lộ.
Theo ông Thủy, so với vẻ đẹp của mai vàng giống gốc trồng ở các tỉnh phía Nam, mai vàng trồng ở miền Bắc có không khí lạnh, thời tiết rét buốt nhưng hoa vẫn nở đẹp rực rỡ nên rất dễ "lấy lòng" khách hàng.
"Trồng mai ở miền Bắc khó nhất là gặp thời tiết lạnh nhưng tôi đã xử lý được. Dịp cận Tết các xe mai vàng miền Nam Bắc tiến co ro trong lạnh giá thì các sản phẩm của tôi vẫn sống khỏe, tự tin khoe sắc đón Xuân mới", lão nông ở thôn 2, xã Đông Sơn bộc bạch.
Các chậu đào tiến vua có giá vài triệu đồng/chậu của ông Thủy cũng đã "cháy hàng".
Theo Dân Việt