Quốc khánh nơi “chân trời” Tổ quốc

30/08/2018 - 05:17

 - Trong khi người dân trên khắp mọi miền đất nước nghỉ ngơi, vui chơi mừng ngày Quốc khánh (2-9) thì cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở 21 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và 15 nhà giàn DK1 đang ngày đêm thầm lặng canh giữ chủ quyền Tổ quốc. Ở “chân trời” ấy, nỗi nhớ đất liền “canh cánh” trong lòng và căng thẳng theo dõi mục tiêu, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền.

Các chiến sĩ DK1 phấn khởi sau khi hoàn thành nhiệm vụ từ Nhà giàn DK1 trở về

Tinh thần Quốc khánh từ đảo tiền tiêu

Đảo Trường Sa lớn trong những ngày cuối tháng 8 mùa thu, trước dãy nhà của Tiểu đoàn 1 là khẩu hiệu “Tinh thần Quốc khánh 2-9 bất diệt”, bên phải dãy nhà của thanh niên phân đội hỏa lực là khẩu hiệu “Chắc tay súng, vững tinh thần, quyết tâm giữ đảo”.

Đảo trưởng Trường Sa lớn, thượng tá Đỗ Thế Tuyến cho biết, hàng năm đến ngày 2-9 là dịp để CBCS đảo Trường Sa lớn sơn sửa doanh trại, tăng cường rèn luyện, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo vững chắc trong mọi tình huống. “Những ngày này, tàu thuyền nước ngoài hoạt động nhiều nên mọi công tác tuần tra cảnh giác phải tăng cường. CBCS vui Quốc khánh nhưng không quên nhiệm vụ” - thượng tá Tuyến cho biết.

“Tuy năm lẻ, nhưng chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để chào mừng ngày lễ, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục tinh thần ngày Quốc khánh và truyền thống bám đảo, canh biển của CBCS. Năm nay, mỗi CS được kết nạp Đảng dịp này sẽ trồng 1 cây xanh. Còn nhóm các CS chuẩn bị vào đất liền sẽ làm 1 công trình lưu niệm như bảng tin, bồn rau thanh niên. Đây là “món quà” kỷ niệm đối với các CS hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi rời quân ngũ” - trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo Trường Sa lớn cho biết.

Nếu đảo Đá Lớn có phong trào thi đua “Vượt nắng gió, khó không sờn, vững tay súng, kiên cường bám đảo” thì đảo Sơn Ca có phong trào “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, ngư dân là anh em ruột thịt”. Bên cạnh đó, đảo Đá Đông có phong trào “Rèn cán, luyện binh, quên mình vì Tổ quốc”.

2 năm tuổi quân, hơn 1 năm làm nhiệm vụ ở đảo, điều đọng lại trong tim hạ sĩ Trần Tuấn Anh, phân đội cơ động hỏa lực ở đảo Sơn Ca không chỉ về tình đồng đội “đồng cam cộng khổ” nơi “quần đảo bão tố”, mà còn là tình yêu biển, đảo mãnh liệt trong tim anh. Trước khi về đất liền xuất ngũ, Tuấn Anh đã tự tay mình trồng 2 cây bàng vuông, coi đó là kỷ niệm 2 năm tại đảo.

Tuấn Anh chia sẻ với tất cả tình yêu của người lính đảo: “Những ngày lăn lộn trong nắng lửa mưa rào ở đảo, tôi hiểu rằng, lý tưởng của thanh niên không gì đẹp hơn bằng cống hiến cho Tổ quốc. Đó chính là hành trang trong bước đường tiếp theo của tôi khi xuất ngũ”.

Giữa biển khơi không ngơi tay súng

 Cùng lực lượng canh biển, đảo của Tổ quốc, CBCS trên 15 Nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân có niềm vui riêng của lính biển xa nhà. Nhà giàn DK1/10 đóng quân trên vùng biển Cà Mau được coi là nhà giàn xa nhất so với đất liền với nhiệm vụ canh chủ quyền biển của Tổ quốc từ hướng biển chồng lấn tiếp giáp lãnh hải biển 2 nước bạn Malaysia và Philippines.

Trung tá Trương Văn Thủy, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 cho biết: “Trong bất luận điều kiện nào, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Ngày thường cũng như lễ, Tết chúng tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi tay súng. Những ngày này, tàu thuyền nước ngoài hoạt động nhiều, càng phải tăng cường trực canh, không bỏ sót mục tiêu”.

Nói về đời sống của CBCS DK1 hiện nay, Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, so với trước đây thì đời sống của CBCS có nhiều cải thiện. Hiện nay, 14/15 Nhà giàn DK1 thế hệ mới có đủ nước ngọt sinh hoạt, huấn luyện hàng ngày. Phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm thường xuyên. Mặc dù ở xa đất liền, song CBCS nắm bắt thông tin hàng ngày, đất liền và nhà giàn không còn khoảng cách về thông tin, chỉ còn khoảng cách về quãng đường.

Trong lúc người dân cả nước đang vui ngày Quốc khánh thì những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 đang đứng gác trong gió gào, sương lạnh, căng thẳng theo dõi mục tiêu lạ trên biển. Trung sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa (quê ở Đồng Nai) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ Nhà giàn DK1/14 trở về. Trước khi vào bộ đội, Nghĩa được coi là “con cưng” vì gia đình có điều kiện nên chẳng hề “mó chân đụng tay”. Sau hơn 1 năm rèn luyện ở Nhà giàn DK1/14, từ một cậu lính chưa biết chăm sóc cho bản thân và “rảnh” nhiều hơn “bận” đã trở thành thanh niên bản lĩnh, chững chạc từ lời nói đến việc làm.

Nghĩa xúc động chia sẻ: “Nhà giàn DK1 đã rèn luyện tôi trưởng thành. Chính nơi gian khổ này đã giúp tôi có bản lĩnh, nhận thức được sự nghiệp và tương lai sau khi rời quân ngũ. Nghĩ lại ngày ở DK1, tôi luôn tự hào và nhớ đồng đội”.

Kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh (2-9), những người lính đảo không quên ôn lại câu chuyện về những đồng đội đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trước khi ngã vào lòng biển mẹ, đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng. Giữa cái chết cận kề trong gang tấc, trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn mình đi.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương trước lúc ra đi đã khẳng định: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Binh nhất Trần Thiên Phụng quyết không đầu hàng địch. Trước họng súng quân thù, anh đã thét vào mặt chúng: “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”. Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển, đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

“Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”, câu nói ấy đã trở thành một tuyên ngôn bất tử về tinh thần bất khuất trước kẻ thù, để CBCS Trường Sa, DK1, Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam hôm nay đang nối tiếp với một thế và lực mới. Bởi họ hiểu, để đất liền trọn niềm vui ngày Quốc khánh, sứ mệnh của họ là bảo vệ Tổ quốc!

Bài, ảnh: MAI THẮNG

 

Liên kết hữu ích