Ngày 25/4/1994, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang cấp phép hoạt động cho QTDND Tri Tôn, quy mô 3 xã, thị trấn (thị trấn Tri Tôn, xã Châu Lăng, Tà Đảnh). Ngày 4/5/1994, QTDND Tri Tôn chính thức khai trương hoạt động, với 22 thành viên tham gia cổ đông, tổng nguồn vốn điều lệ 151 triệu đồng.
Khi bắt tay vào hoạt động nghiệp vụ, thành viên tham gia phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong huyện Tri Tôn. Số thành viên tham gia tăng trưởng ngày càng nhiều, từ 986 thành viên (cuối năm 1994) lên 4.007 thành viên (năm 1997). Kết thúc năm tài chính 1997, vốn cổ đông của thành viên tham gia đều hoàn vốn 100%. Đây là thời kỳ “vàng son” nhất trong hoạt động của QTDND Tri Tôn từ khi khai trương hoạt động.
Sau thời kỳ này, hoạt động QTDND Tri Tôn có phần khó khăn. Thành viên là đồng bào DTTS Khmer chiếm đến 80%, nhưng việc bị nợ “chây ỳ” quá hạn với tỷ lệ rất cao, đỉnh điểm có khi lên đến 50 - 60%. QTDND Tri Tôn đã dùng nguồn tiền tích lũy từ lợi nhuận trong tài khoản dự phòng ở những năm hoạt động hiệu quả (gần 600 triệu đồng) nhưng chẳng thấm gì với hơn 3 tỷ đồng nợ quá hạn. Sau đó, do số lượng công việc tại quỹ sa sút rất lớn, Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết nghị cho gần phân nửa nhân viên thôi việc. Số tiền lương chi trả đảm bảo cơ bản không đáng kể cho nhân viên còn bám trụ chia sẻ với đơn vị.
Hoạt động bế tắc, nguy cơ bị NHNN Việt Nam xếp vào diện “Kiểm soát đặc biệt”, lãnh đạo NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang kêu gọi QTD trong toàn hệ thống tỉnh chung vai chia sẻ khó khăn với QTDND Tri Tôn. Theo đó, mỗi QTD, tùy theo quy mô và khả năng cho phép sẽ đóng góp cho QTD Tri Tôn vay lãi suất thấp (0,5%/tháng), thời hạn 18 tháng. Tổng số tiền 890 triệu đồng từ hơn 30 QTD cơ sở hỗ trợ lúc bấy giờ, mang lại cho QTDND Tri Tôn sự chia sẻ quý báu. Sau 18 tháng đón nhận sự hỗ trợ này, QTDND Tri Tôn hoàn trả vốn, lãi cho hơn 30 QTD cơ sở một cách tốt đẹp.
Thông qua đại biểu Quốc hội Néang Kim Cheng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang), ngày 6/10/2003, HĐQT QTDND Tri Tôn chuyển đơn kiến nghị đến Thống đốc NHNN Việt Nam xin ý kiến cho việc xử lý nợ quá hạn tại quỹ. Ngày 14/11/2003, Thống đốc NHNN Việt Nam có Công văn 1341/NHNN-TDHT gửi trả lời đại biểu Quốc hội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang về việc xử lý nợ quá hạn của đồng bào DTTS Khmer tại QTDND Tri Tôn.
Tuy nhiên, sau khi có văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, QTDND Tri Tôn vẫn không được hỗ trợ để xử lý khoản nợ quá hạn của thành viên là đồng bào DTTS Khmer, buộc phải “tự thân vận động”. Với nỗ lực bền bỉ, QTD dần vượt qua khó khăn. Thông qua bảng kết quả tài chính ngày 31/12/2008 (đúng 10 năm kể từ ngày phát sinh nợ quá hạn), tài khoản nợ quá hạn được khoanh của đồng bào DTTS Khmer trong bảng cân đối tài khoản đã có số dư 0 đồng. Với thắng lợi này, QTDND Tri Tôn bước sang trang sử mới, tái khai trương hoạt động lại từ đầu kể từ năm tài chính mới - 2009.
Đến ngày 4/5/2024, qua 30 năm hoạt động thì QTDND Tri Tôn mất đi gần phân nửa thời gian vượt qua muôn vàn khó khăn bởi nợ quá hạn của đồng bào DTTS Khmer. Thách thức, khó khăn ấy càng khẳng định, hoạt động của QTDND là một “tổ chức kinh tế tương trợ nông thôn”, là một đại gia đình mà niềm hạnh phúc phải cần hội đủ 3 yếu tố, trong đó không thể thiếu vắng bóng dáng của “người mẹ hiệu quả” cùng “đứa con phát triển”, mà đòi hỏi sự hiện diện của “người cha trong sáng” với một khối đoàn kết.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày QTDND Tri Tôn chính thức khai trương hoạt động (4/5/1994 - 4/5/2024), đại gia đình thành viên QTDND Tri Tôn không quên sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quan tâm chăm lo của Thống đốc NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang, Liên minh Hợp tác xã An Giang, để mang lại niềm tin vững bền và hoạt động của hệ thống QTDND nói chung, QTDND Tri Tôn nói riêng. HĐQT QTDND Tri Tôn trân trọng ghi nhớ tấm chân tình mà hơn 30 QTD cơ sở dành cho QTDND Tri Tôn trong lúc khó khăn. Đặc biệt là nợ ân tình với những người đã tâm huyết, dành nhiều công sức đóng góp gắn bó cho QTDND Tri Tôn trong thời gian đầu vào hoạt động, như: Ông Nguyễn Xuân Sơn (Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác - NHNN Việt Nam), ông Phạm Quang Vinh (Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang), ông Tô Cẩm Kiên (Chủ tịch HĐQT - sáng lập viên QTDND Tri Tôn), ông Trầm Thiện Thành (ông Sù, Phó Chủ tịch HĐQT - sáng lập viên QTDND Tri Tôn).
QTDND Tri Tôn sẽ là điểm đến an toàn, hiệu quả, nơi gửi gắm niềm tin cho đại gia đình thành viên QTDND Tri Tôn và cộng đồng người dân của huyện Tri Tôn. Trên tinh thần dù QTDND Tri Tôn có hoạt động phong phú, đa dạng như thế nào thì mục đích cuối cùng vẫn là “tương trợ thành viên”.
VŨ ANH